null Bệnh lở mồm long móng trên heo

Tài liệu kỹ thuật
Thứ năm, 20/12/2012, 14:53
Màu chữ Cỡ chữ
Bệnh lở mồm long móng trên heo

 

 

Đặc trưng của bệnh là hình thành các mụn nước và sự bào mòn niêm mạc miệng, mõm, đầu vú và phần da cũng như trên móng. Đến nay người ta đã phân biệt được 7 týp vi-rút gây bệnh LMLM gồm O, A, C, SAT1, SAT2, SAT3 và Asia1, mỗi týp còn có nhiều týp phụ. Vi-rút gây bệnh LMLM trên gia súc ở Việt Nam thuộc týp O, A và Asia 1. 

Triệu chứng và bệnh tích: Thời gian ủ bệnh thay đổi từ 2- 10 ngày, lúc đầu heo ủ rũ, kém ăn, sốt 41,5 – 42oC. Nổi mụn nước ở vành móng, khoảng giữa các ngón chân, môi, nướu răng, mõm, vú (heo nái cho sữa), con vật đi đứng rất khó khăn (đi bằng cổ chân, đầu gối…) và có thể chảy nhiều nước dãi… Heo con mắc bệnh thường chết nhiều hơn trên heo lớn. Heo nái mang thai hay bị sẩy thai. Bệnh tích chủ yếu là mụn nước và bong móng chân, những chỗ bong dễ bị viêm mủ do nhiễm trùng thứ phát, có trường hợp sứt cả móng. 

Bệnh có thể lây lan trực tiếp hoặc gián tiếp từ động vật bệnh đến động vật mẫn cảm... Lây trực tiếp do việc nuôi nhốt chung thú bệnh và thú khỏe, lây truyền qua không khí. Lây gián tiếp qua sản phẩm động vật bệnh, các động vật khác, phương tiện giao thông vận chuyển động vật, dụng cụ chăn nuôi, thú y, quần áo, giày dép người chăm sóc, tham quan. 

Chẩn đoán: Dựa vào triệu chứng và bệnh tích. Để chẩn đoán chính xác bệnh LMLM cần thiết phải lấy mẫu để chẩn đoán phòng thí nghiệm với các mẫu là dịch trong các bọng nước chưa vỡ hoặc thành bọng nước, máu động vật bệnh… v.v và hiện nay một số phương pháp thường dùng là RT-PCR, ELISA và phân lập vi-rút. 

Phòng và trị bệnh 

Đây là bệnh bắt buộc phải công bố dịch. Đối với vùng chưa bị dịch, phải thực hiện tốt công tác kiểm dịch xuất nhập thú, công tác vệ sinh phòng bệnh định kỳ. Có biện pháp cách ly theo dõi những thú đến từ nơi khác từ 20 – 40 ngày. Tuyệt đối không nhập gia súc từ nguồn bị nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh LMLM. 

Khi dịch bệnh xảy ra phải báo cáo lên thú y cấp trên để có biện pháp thích hợp, khoanh vùng dịch, ngăn chặn bệnh lây lan. Không mua bán vận chuyển gia súc bệnh, hạn chế ra vào nơi có bệnh (vùng dịch). Sát trùng kỹ dụng cụ chăn nuôi, thú y. Xác chết, phân rác đem đốt rồi chôn. Vệ sinh tiêu độc kỹ chuồng nuôi bằng: formol 2%, nước vôi 20% hoặc Navetkon-S, dung dịch Benkocid chuồng trại. 

Điều trị: Không có thuốc chữa bệnh đặc hiệu. Công tác hộ lý rất quan trọng như cải thiện điều kiện nuôi dưỡng, nhốt heo ở chuồng khô ráo, cho ăn thức ăn mềm. Xử lý mụn loét bằng thuốc sát trùng nhẹ như dấm chua (axít axêtic), axít boric, axít lactic, phèn chua 2%, thuốc tím 1%, xanh methylen 1% hoặc nước quả chua như chanh, khế. Có thể dùng kháng sinh điều trị để chống phụ nhiễm. 

Phòng bệnh bằng vắc-xin: Tiêm chủng vắc-xin thường được áp dụng ở các vùng có dịch lưu hành. Các loại vắc-xin LMLM vô hoạt đơn giá hoặc đa giá do các công ty: Merial, Intervet, Pfizer và Rosagrobioprom – ROAO của liên bang Nga hiện đang được sử dụng ở Việt Nam. Vắc-xin bao gồm các loại: đơn giá týp O, nhị giá týp O+A và tam giá týp O+A+Asia1. Quy trình tiêm phòng thường được thực hiện như sau: Đối với heo con không có kháng thể LMLM hoặc từ mẹ không được tiêm phòng, tiêm phòng lần đầu vào lúc 2 tuần tuổi trở lên. Nếu thời gian nuôi thú hơn 6 tháng, tiêm 2 mũi cách nhau 4 -5 tuần. Với heo có kháng thể LMLM hoặc từ mẹ đã được tiêm vắc-xin LMLM, tiêm phòng mũi đầu vào lúc 2,5 tháng tuổi. Trong các vùng có nguy cơ nhiễm cao, tiêm toàn đàn vào lúc 2 tuần tuổi với heo từ mẹ chưa tiêm vắc-xin và 2 tháng với heo con từ mẹ đã được tiêm vắc-xin và nhắc lại sau 4 -5 tuần. Tái chủng 6 tháng một lần.

 

Theo agroviet.gov.vn

 

 

Số lượt xem: 12565

  • Đại hội Hội Nông dân huyện Đông hải nhiệm kỳ 2023 - 2028
  • Phối hợp trao cầu giao thông nông thôn Phước Long
Bạc Liêu
Thứ 5   30-7-2020 14:11
31.4°
moderate rain

Feels like: 32.86°
Temp range: 31.4° - 31.4°

 

Thống kê truy cập
HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẠC LIÊU
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291. 3823.880   -   Fax: 0291.3823.880   -   Email: hndtbl@gmail.com
ipv6 ready