null
Cây lúa ST bén rễ trên đồng ruộng vùng bắc quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu.
Tin hoạt động
Thứ ba, 19/01/2021, 09:41
Màu chữ
Cỡ chữ
Cây lúa ST bén rễ trên đồng ruộng vùng bắc quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu.
Sau gần một năm được canh tác ở các vụ mùa, cây lúa ST24, ST25 đã thật sự bén rễ và thích ứng với đồng ruộng Bạc Liêu nói chung và huyện Hồng Dân nói riêng. Theo ngành chuyên môn nhận xét: Giống lúa ST24, ST25 có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, đặc biệt là khả năng chịu mặn, chịu phèn rất tốt, dễ canh tác, không xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại.
Trao đổi với phóng viên ngay trên đồng ruộng, ông Nguyễn Chí Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - kỹ thuật nông nghiệp huyện chia sẻ: Với bản lá đứng đặc trưng của giống cũng hạn chế được sâu cuốn lá gây hại nên đặc biệt thích hợp canh tác và nhân rộng sản xuất trên vùng đất tôm - lúa phía Bắc quốc lộ 1A. Nhằm mở rộng vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân, đòi hỏi phải có những giống lúa đặc sản, chất lượng cao thích ứng với điều kiện sản xuất tại Bạc Liêu, việc tỉnh chọn 2 giống lúa ST24 và ST25 là phù hợp, được nhiều nông dân đánh giá cao.
Để mô hình đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức 70 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác với sự tham dự của 2.600 lượt nông dân về kỹ thuật cải tạo đất, gieo sạ, chăm sóc lúa và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là kỹ thuật rửa mặn - khâu quan trọng quyết định đến sự thành công của mô hình. Các doanh nghiệp cũng đã đồng hành xuyên suốt cùng với các lớp tập huấn để triển khai nội dung và quy định để được bao tiêu sản phẩm. Nhằm khuyến khích nông dân sản xuất lúa ST24, ST25; theo đó, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho những hộ nông dân tham gia mô hình bao gồm 50% lúa giống và 500 ngàn đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật/ha.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Thành công từ mô hình thí điểm canh tác giống lúa ST24, ST25 với quy mô 60 ha trong vụ Hè Thu 2020 vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương và chỉ đạo ngành Nông nghiệp mở rộng lên 3.500 ha cho vùng sản xuất lúa trên đất tôm phía Bắc Quốc lộ 1A. Trong đó, huyện Hồng Dân gần 1.600 ha. Theo đánh giá thì tổng chi phí sản xuất ruộng mô hình thấp hơn so với ruộng đại trà 1.700.000 đ/ha. Với năng suất ước đạt trung bình 6 tấn/ha sẽ đưa hiệu quả kinh tế ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà là: 4.700.000 đồng/ha. Từ đó đưa tổng lợi nhuận trên diện tích 3.500ha đạt hơn 90 tỷ đồng, cao hơn 16 tỷ đồng so với ruộng đối chứng canh tác giống lúa địa phương.
Với diện tích 3.500 ha chung của tỉnh; trong đó huyện Hồng Dân có gần 1.600 ha được triển khai trong vụ lúa Mùa năm 2020 - 2021 này, đã thúc đẩy nông dân tổ chức, phát triển sản xuất theo hình thức cộng đồng thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành chuỗi liên kết giá trị cung ứng và bao tiêu sản phẩm; tập trung ở vùng sản xuất Tôm – Lúa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm - Tôm sạch”. Giúp nông dân tạo ra được sản phẩm chất lượng cao, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường và doanh nghiệp thu mua. Giống lúa ST24 là giống có chất lượng gạo cao, hạt gạo thon dài, trắng trong, cơm mềm dẻo và có hương thơm mùi lá dứa, đáp ứng với nhu cầu thị trường hiện nay nên giá bán cao hơn các giống lúa khác, giúp nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Có thị trường lớn cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Với những thành công bước đầu, tỉnh sẽ mở rộng diện tích sản xuất giống lúa ST24, ST25 lên gần 12 ngàn ha, trong đó sản xuất ở vùng ngọt ổn định 3.500ha, còn lại là sản xuất theo mô hình lúa tôm.
Trong thời gian dài, vùng sản xuất lúa - tôm của Bạc Liêu gần 60 ngàn ha; trong đó có huyện Hồng Dân với gần 24 ngàn ha còn nhiều khó khăn trong việc chọn cây con giống phù hợp và đem lại hiệu quả bền vững trong sản xuất, để giúp nông dân làm giàu. ST24 lọt tốp 3 "Gạo ngon nhất thế giới" tại hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức ở Macau (Trung Quốc) năm 2017, còn ST25 đứng đầu tốp "Gạo ngon nhất thế giới" tổ chức tại Manila (Philippines) lần thứ 11 năm 2019. Đây là các giống lúa của nhóm tác giả kỹ sư Hồ Quang Cua, tỉnh Sóc Trăng. Qua mô hình sản xuất thử nghiệm, giống lúa ST24 phù hợp với vùng đất Bạc Liêu nói chung và huyện Hồng Dân nói riêng đã mở ra cơ hội lớn trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cho bà con nông dân. Người nông dân sản xuất mô hình lúa, tôm dù năng suất, sản lượng có tăng nhiều đi nữa nhưng với giá bấp bênh như hiện nay thì khó giàu. Chính vì vậy, lúa ST24, ST25 vừa có năng suất, chất lượng, đồng thời vụ mùa này giá lúa được bao tiêu ở mức cao sẽ giúp cho người dân khá lên thật sự từ trồng lúa. Qua đó, giúp cho nhiều hộ nông dân có thêm thu nhập cao từ trồng lúa ST24, ST25 chứ không phải chỉ phụ thuộc vào con tôm như trước đây../