Đây là mô hình do Trung tâm khuyến nông quốc gia phối hợp Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, Cục trồng trọt, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và Trung tâm khuyến nông 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long triển khai thực hiện thử nghiệm thành công trong vụ lúa hè thu năm 2016 và được Trung tâm khuyến nông Bạc Liêu ứng dụng triển khai thực hiện tại ấp 15, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai. Sau khi ứng dụng có hiệu quả, Trung tâm khuyến nông Bạc Liêu tiếp tục nhân rộng mô hình này tại ấp Mỹ II A, xã Vĩnh Phú Đông, với quy mô 2,5 ha, canh tác bằng giống lúa cấp xác nhận RVT trên mãnh ruộng của 5 hộ nông dân trong ấp. Ông Lê Hoàng Tám là 1 trong những nông dân tham gia thực hiện mô hình “ Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu”, chia sẻ: năm nay là năm đầu tiên tôi áp dụng mô hình sản xuất lúa thông minh thì tôi so sánh với những năm trước có nhiều cái lợi, thứ nhất lượng lúa giống giảm 8kg trên một công, còn lượng phân so với năm nay sử dụng phân bó Bình Điền đầu trâu TE A1 và TE A2 so với năm trước giảm một công khoảng 12kg. So với ruộng đối chứng thì giống lúa này năm nay vô hạt rất tốt, nếu nông dân chịu tiếp thu thì có hiệu quả và rất có lợi.
 |
Mô hình trình diễn |
Còn ông Nguyễn Văn Quang cũng là 1 trong những nông dân tham gia thực hiện thử nghiệm mô hình “ Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu”. Mặc dù đến thời điểm này ruộng lúa mô hình chưa đến ngày thu hoạch nhưng theo ông Quang năng suất lúa sẽ đạt cao, chi phí đầu tư thấp hơn so với tập quán canh tác truyền thống trước đây. Ông Quang chia sẻ: theo tôi thì sản xuất lúa thông minh này thì mình sạ hơi thưa chút theo đúng 1ha khoảng cở 80kg hiệu quả nếu sạ nhiều hơn 80kg là không đạt chất lượng. Mấy năm trước không có sạ lúa thông minh này tôi sạ 1ha tới 120kg quá nhiều nên lúa không trúng cho lắm.
Để các nông hộ tham gia thực hiện thử nghiệp mô hình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” đạt hiệu quả. Trung tâm khuyến nông Bạc Liêu tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM; Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ 100% lúa giống và phân bón sử dụng cho 0,5 ha/hộ. Theo cơ quan chức năng chuyên môn và nông dân, việc thực hiện quy trình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” so với ruộng đối chứng giảm khoảng 50 kg giống/ha, giảm từ 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm hơn 100 kg phân bón, tỷ lệ chồi hữu hiệu và tỷ lệ hạt chắc, bông cao, lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Hoạch toán kinh tế của ruộng mô hình tổng chi phí sản xuất giảm khoảng 2,5 triệu đồng/ha, năng suất lúa ước đạt 7,4 tấn/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng và ruộng sản xuất đại trà trong vùng 0,5 tấn/ha và lợi nhuận tăng hơn 5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để thực hiện đạt hiệu quả mô hình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” đòi hòi người nông dân phải thực hiện đúng quy trình từ khâu làm đất kỹ, chan bằng mặt ruộng, diệt ốc bươu vàng trước khi sạ, sử dụng thuốc trừ cỏ hợp lý, sử dụng giống lúa cấp xác nhận, sử dụng dụng cụ đo pH để xác định độ pH trên ruộng trước khi gieo sạ theo nguyên tắc “4 đúng”, bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, đồng thời tùy vào yếu tố thời tiết, sâu bệnh mà nông dân lựa chọn biện pháp chăm sóc hợp lý theo hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông Bạc Liêu. Kỹ sư Nguyễn Phương Hùng, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông Bạc Liêu, cho biết: Quản lý về mặt sâu bệnh chúng ta nên hạn chế phun ngừa, nếu có dịch bệnh tới ngưỡng thì chúng ta mới phòng trừ như vậy chi phí thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm hơn do vậy qua mô hình canh tác lúa thông minh từ vụ hè thu 2016 tới vụ đông xuân 2016- 2017 này đành giá chung thì mô hình đạt kết quả rất cao, hướng tới giúp cho nông dân thấy được sạ thưa của mình vừa giảm được lượng giống, giảm phân bón và chi phí thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất mang lại cao hơn so với sạ dày
Hiện nay, Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Mưa bão, lũ lụt, khô hạn, xâm nhập mặn… xảy ra ngày càng nhiều và khó dự báo hơn trước. Diễn biến thời tiết trong thời gian qua đã chứng minh rất rỏ những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao, khô hạn, xâm nhập mặn gây thiệt hại rất nhiều diện tích cây trồng. Việc áp dụng phương pháp mới trong canh tác lúa nhằm thích ứng với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn thì mô hình “ Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” được xem là giải pháp thiết thực cho nhà nông hiện nay, từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận kinh tế, nâng cao đời sống nông dân nông thôn, góp phần vào mục tiêu chung là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Thành Công