Thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với trường Đại học Bạc Liêu, và việc kết nối với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, sáng ngày 29/7/2020, tại Hội trường UBND xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, đã tổ chức buổi tập huấn, hướng dẫn hội viên nông dân kỹ thuật nuôi tôm càng xanh (toàn đực) trên đất trồng lúa.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Minh, thuyết trình về kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên đất trồng lúa
Đến dự buổi tập huấn có đồng chí Phạm Tuấn Tài, phó Chủ tịch thường trực HND tỉnh, Thạc sĩ Nguyễn Đức Minh, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Thạc sĩ Đặng Nguyệt Huế, phó khoa chuyên ngành nông nghiệp, trường Đại học Bạc Liêu. Về cấp huyện có đồng chí Trần Văn Long, Chủ tịch HND huyện và đồng chí Nguyễn Văn Lý, phó Chủ tịch HND huyện Hồng Dân, cấp xã có đồng chí Lê Văn Bính, phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi cùng 40 hội viên nông dân của 7 ấp trong xã tham dự. Tại buổi tập huấn, các đại biểu được nghe Thạc sĩ Nguyễn Đức Minh, thuyết trình hướng dẫn một số kiến thức về quy trình nuôi tôm cành xanh (toàn đực) gồm nội dung cơ bản như: Chuẩn bị ao nuôi, sửa lại bờ bao, cống, đắp hang mọi, chống rò rỉ nước và sửa thiết bị chống địch hại, xả cạn nước, phơi khô đáy ao. Chú ý nhất là khâu diệt tạp trước khi lấy nước. Chọn và thả giống; chọn kích cỡ tôm giống từ 1 - 2cm. Mật độ thả giống thích hợp đối với hình thức nuôi bán thâm canh là 8 - 12 con/m2. Nên thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Về thức ăn; tốt nhất nên cho tôm ăn thức ăn viên công nghiệp, có độ đạm từ 25 - 32%. số lần cho ăn từ 2 - 3 lần/ngày.Sau tháng đầu tiên có thể kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Quản lý môi trường ao nuôi: Tôm càng xanh rất nhạy cảm với sự thay đổi của các yếu tố môi trường, đặc biệt là oxy hòa tan. Do đó, việc quản lý môi trường ao nuôi tốt là điều hết sức quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công của vụ nuôi. Cần duy trì các yếu tố môi trường trong khoảng tối ưu hoặc trong các trường hợp có sự thay đổi, thì biên độ của sự thay đổi càng nhỏ là càng tốt. Đối với tôm càng xanh thì chất lượng nước rất quan trọng, cần chủ động và thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20 - 30% nước trong ao nuôi. Khi cấp nước cần kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao lắng và ao nuôi phải có sự tương đồng và đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp vào không bị ô nhiễm. Chú ý theo dõi và quản lý sức khỏe tôm nuôi: Trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi tôm nuôi trong ao để có biện pháp điều chỉnh kịp thời và hợp lý. Hàng tuần cần chài tôm để quan sát đường ruột nhằm đánh giá mức độ bắt mồi, những dấu hiệu của bệnh trên tôm (quan sát mang, màu sắc, khối cơ, những biến dạng khác của tôm…), cần theo dõi và dự đoán thời kỳ lột xác của đàn tôm nuôi trong ao để có những điều chỉnh về lượng thức ăn, quạt nước, sục khí, hoặc chuẩn bị thu hoạch…Kỷ thuật bẻ càng: Cần áp dụng biện pháp bẻ càng đúng kỷ thuật, nhằm giúp tôm lớn nhanh, tăng tỷ lệ sống và gia tăng hiệu quả kinh tế. Phương pháp bẻ càng và chọn thời điểm phải áp dụng đúng thời điểm và đúng quy trình.Sau khi thả được 60 đến 75 ngày, người nuôi tiến hành bẻ càng, giúp cho tôm sinh trưởng mạnh, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, hạn chế ăn lẫn nhau. Tuy nhiên, việc bẻ càng cho tôm phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật để tránh hao hụt. Vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể nhằm tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên. Phương pháp này giúp tôm lớn nhanh, tăng kích cỡ, đẹp về màu sắc, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phòng bệnh cho tôm càng xanh: Phải tiến hành cấp nước hoặc thay nước định kỳ để kích thích tôm lột xác, có thể trộn Vitamin C vào thức ăn kết hợp men vi sinh đường ruột nhằm tăng cường khả năng tiêu hóa cho tôm nuôi tại những thời điểm cần thiết. Sau thời gian nuôi khoảng 4 tháng có thể tiến hành thu hoạch, chủ yếu là những cá thể không có khả năng phát triển (tôm càng xào, ốp vỏ). Việc thu hoạch cần lưu ý đến kích cỡ, chất lượng tôm nuôi và giá cả thị trường. Thu hoạch tôm càng xanh cần phải tiến hành thu nhiều lần. Thực hiện các biện pháp tăng cường oxy bằng cách sục khí trong các bể chứa tôm thương phẩm nhằm để tôm không bị chết ngạt, vì nếu tôm chết thì giá cả giảm hơn 50% giá tôm thương phẩm.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã tham gia thảo luận, nêu ra những vấn đề còn chưa hiểu và thạc sĩ Nguyễn Đức Minh đã nhiệt tình trả lời những nội dung đại biểu còn thắc mắc và với kiến thức và kinh nghiệm đã trải qua thực tế nuôi tôm càng xanh, thạc sĩ đã tư vấn thêm những vấn đề rất thiết thực, nhất là trong việc chọn con giống, vì khâu nầy có tính chất quyết định đến sự thành công của mô hình. Nếu có được giống tốt, sức lớn nhanh, mùa vụ nuôi tôm được rút ngắn, giảm chi phí đầu tư, tỷ lệ hao hụt thấp, đạt sản lượng và chất lượng tôm, nâng cao giá tiêu thụ, thu nhập sẽ được nâng lên.

Quanh cảnh buổi tập huấn nuôi tôm càng xanh (toàn đực) tại xã Ninh Thạnh Lợi
Thay mặt Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Phạm Tuấn Tài, Phó Chủ tịch thường trực HND tỉnh phát biểu; Trước tình hình như hiện nay, việc nuôi tôm ở xã Ninh Thạnh Lợi và những vùng ngoài quy hoạch, vùng có độ mặn thấp gặp quá nhiều rủi ro và khó khăn thì việc phát triển nuôi tôm càng xanh (toàn đực) nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi để hạn chế rủi ro cho nông dân, nhằm phát triển ổn định nghề nuôi trồng thủy sản, phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.

Đồng chí Phạm Tuấn Tài, Phó Chủ tịch thường trực HND tỉnh phát biểu tại lớp tập huấn
Đồng chí cũng cho biết, qua lớp tập huấn này, thông qua sự kết nối của Trường Đại học Bạc Liêu, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 sẽ trao tặng 100.000 con tôm cành xanh giống (trị giá khoảng 25 triệu) cho xã viên Hợp tác xã Ngô Kim và thông tin rằng, thời gian tới đây, các giảng viên bộ môn thủy sản trường Đại học bạc Liêu cùng với cán bộ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, sẽ tiếp tục cùng đồng hành với nông dân địa phương, thường xuyên tư vấn (qua điện thoại hoặc Email ), mở các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ… về kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, nhằm giúp cho nông dân thực hiện thành công mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất trồng lúa, nhằm tạo thêm nguồn thu nhập ổn định, cải thiện nâng cao đời sống cho nông dân./.

Các học viên chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo HND tỉnh và huyện cùng các giảng viên trường Đại học Bạc Liêu