null Giải pháp nào để giúp nông dân “ly nông” nhưng bất “ly hương”

Tin hoạt động
Thứ năm, 25/08/2016, 08:31
Màu chữ Cỡ chữ
Giải pháp nào để giúp nông dân “ly nông” nhưng bất “ly hương”

Chọn giải pháp đi làm ăn xa cũng đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, việc người dân ồ ạt đổ xô đến các thành phố, các khu công nghiệp kiếm sống không những làm cho địa phương thiếu lực lượng lao động trẻ mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác. Đó là người già ốm đau, bệnh hoạn, không người chăm sóc, trẻ em sống xa cha mẹ thiếu sự quan tâm, dạy dỗ; ông bà xa con cháu thì thiếu vắng tình yêu thương. Mặt trận và Đoàn thể ở cơ sở thì thiếu vắng đoàn viên, hội viên…

Chúng tôi đến nhà em Danh Thị Hạnh ở ấp Kinh Xáng, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân vào một ngày mưa tầm tả. Trong căn nhà nhỏ, đơn sơ, đang bị dột nước khắp nới vì không có người lợp lại mái nhà vốn đã xuống cấp từ bấy lâu nay. 3 chị em Hạnh đang ngồi quây quần bên mâm cơm chỉ có vài con tép rang do em tự tay nấu. Do không có ba, mẹ ở nhà thì chị nấu được món gì các em ăn đó. Ở cái tuổi 15 còn thơ ngây, non nớt nhưng đã hơn 5 năm qua, Hạnh với vai trò là chị lớn, em đã phải tự tay chăm lo cho em trai của mình và kể cả đứa em bà con cũng có cùng hoàn cảnh ba mẹ đi làm ăn xa xứ. Hạnh cho biết, ba mẹ em đi làm hồ ở tận Phú Quốc, một năm chỉ về thăm nhà 2 đến 3 lần vào các ngày tết cổ truyền và tết chịu tuổi. Ban ngày các em tự học, tự sinh hoạt, đêm đến thì về bên nhà người chú để ngủ vì không dám ngủ một mình. Chúng tôi gặp em vào thời điểm năm học mới đã gần kề, lúc mà nhiều đứa trẻ khác đã được ba mẹ đưa đi mua sắm đủ đầy các dụng cụ học tập, quần áo để chuẩn bị bước vào năm học mới thì đối với các em ở đây đang phải chờ vài hôm nữa mẹ mới về dẫn đi mua. Nhắc đến ba, mẹ, Hạnh đã không kìm được nước mắt, trong thâm tâm một đứa trẻ còn non nớt này lúc nào cũng luôn mặc cảm, tủi thân mỗi khi thấy các bạn cùng trang lứa được ba, mẹ ở kề bên chăm sóc, yêu thương vỗ về.  

Cũng đã nhiều năm nay, Bà Phan Thị Oanh cùng ngụ ấp Kinh Xáng cũng phải trông nom 2 đứa cháu ngoại cho vợ chồng người con gái đi làm ăn ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuổi già nuôi cháu nhỏ nhiều lúc ốm đau, bệnh tật vất vả vô cùng nhưng đời sống của các con khó khăn nên bà cũng không đành bỏ mặt con cháu được nên phải cưu mang đùm bọc. Bà Oanh cho biết, con đi làm ăn xa, vài tháng cũng chỉ gởi về cho bà được khoảng một triệu đồng để lo cho các cháu, có tháng cũng không có tiền gởi vì không có việc để làm. Vợ chồng bà phải nuôi nấng, lo lắng cho các cháu ăn uống, học hành nhờ vào thu nhập ít ỏi từ mấy công vuông sau nhà. Nhiều đêm nghĩ đến con đang bôn ba, vất vả nơi xứ người để tìm kế sinh sống, thấy các cháu học hành không có người kềm cặp bà thấy chạnh lòng. Bà chỉ mong sau ở địa phương tạo được nhiều việc làm cho lao động để các con bà trở về quê làm ăn sinh sống, có thời gian gần gũi, tự chăm lo cho các con của mình vì ông bà càng ngày tuổi càng cao.

Thực tế, không những ở Hồng Dân mà nhiều nơi khác cũng vậy đã có không ít trường hợp do cha, mẹ đi làm ăn xa, gởi con lại quê nhà cho cô, chú, ông, bà lớn tuổi chăm lo. Do thiếu vắng tình thương, không có sự quản lý trong sinh hoạt, nhiều đứa trẻ đã tự ý bỏ học, rồi sa ngã vào tệ nạn xã hội. Thậm chí đã xảy ra một số trường hợp trẻ  bị tai nạn thương tích do thiếu sự quản lý của gia đình; đặc biệt có nhiều trường hợp lao động đi làm ăn xa nhưng rồi vẫn trắng tay trở về vì sa vào góc tối của cuộc sống nhộn nhịp nơi thành thị, rồi cờ bạc, ăn chơi trác táng, bỏ bê công việc, thậm chí vi phạm pháp luật, thiếu nợ bọn “xã hội đen” cho vay nặng lãi…gia đình phải kiếm tiền đi chuộc về. Có  những đứa trẻ phải chịu cảnh khi đi thì có cha mẹ đầy đủ nhưng khi về thì con mất cha hay phải xa vắng mẹ; vì những cuộc tình tay ba và những nỗi bất hạnh khác….Thậm chí có người còn mang về các loại tệ nạn xã hội, bệnh tật hay bị thương tật nặng do tai nạn lao động đã trở thành gánh nặng cho người thân ở quê nhà.

Hiện tại, huyện Hồng Dân là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân đi làm ăn xa xứ nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Với con số thống kê chưa đầy đủ là khoảng trên 7 ngàn người. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay đã có gần 2 ngàn người rời bỏ quê hương đi làm tại các khu công nghiệp, các thành phố lớn. Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết:  Thời gian qua, huyện cũng đã tích cực phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn huyện nhưng do nhu cầu việc làm tại địa phương còn hạn chế, công tác đào tạo nghề còn nhiều bất cập, thu nhập so với mặt bằng chung của tỉnh và khu vực còn thấp nên có nhiều lao động không tìm được việc làm tại chỗ, phải bỏ quê hương đi làm ăn xa xứ.Vì thế, trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội ở nhiều nơi khá buồn tẻ vì vắng bóng đoàn viên, hội viên do phải đi làm ăn xa xứ.

Thực tế, trong thời gian qua huyện Hồng Dân cũng đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện. Ngoài những lao động cố cựu       bám đất, bám vườn” thì mỗi năm địa phương cũng đã giải quyết được việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại chỗ, thông qua việc phát triển chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và việc thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống và việc làm tại các cơ sở công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ thương mại…  Tuy nhiên, thực trạng hiện nay ở nhiều nơi trong huyện đôi khi việc “Ly nông” cũng diễn ra theo phong trào rồi nhiều lúc người lao động cũng đã tự quay về, với suy nghĩ là không đâu bằng ở quê hương mình. Dù thu nhập có thấp nhưng vẫn bảo đãm được chi phí sinh hoạt và đời sống hàng ngày và còn có cuộc sống đậm đà tình nghĩa xóm giềng, những bữa cơm ấm áp yêu thương bên người thân; cho nên tâm trạng suy nghĩ Trâu ta “Gặm” cỏ đồng ta...đang diễn ra cũng không ít. Qua tìm hiểu của chúng tôi, thì nhiều lao động cho biết, họ đã chán ngán cảnh “Tha phương cầu thực” và mong muốn có được việc làm tạo cuộc sống ổn định trên chính quê hương của mình như ông bà mình đã dạy “ Ly nông bất ly hương”. Tuy nhiên, làm thế nào để người nông dân “Ly nông” nhưng bất “ly hương” đang là bài toán khó cho nhiều địa phương.

Có thể thấy rằng, đi lao động xa là điều kiện để tăng thêm nguồn thu nhập chính cho các gia đình, nhưng cũng kèm theo nhiều vấn đề phức tạp về mặt xã hội và để lại hệ lụy gánh nặng cho người ở lại, tạo nên những khó khăn trong công tác quản lý của các cấp chính quyền địa phương. Cái vĩ mô lớn hơn là tình trạng di cư lao động tự do như thế sẽ làm mất cân bằng trong cơ cấu lao động hợp lý của từng địa phương và của cả vùng.

Để giải quyết vấn đề này không phải là chuyện một sớm, một chiều mà cần phải có sự quyết tâm cao độ và các giải pháp mang tính  đột phá, có hiệu quả của các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp trong nông nghiệp, tạo nên những việc làm phi nông nghiệp…thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu trong nông nghiệp phải thật sự có sự “Liên kết” chặt chẻ với thực trạng đời sống của nông dân với hiện trạng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện nay. Để cho những người nông dân thật sự là “Công nhân” trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình họ thì có lẽ một bộ phận không nhỏ nông dân sẽ  ly nông” nhưng sẽ bất “ly hương”../.

TÙNG LÂM

Số lượt xem: 335

  • Đại hội Hội Nông dân huyện Đông hải nhiệm kỳ 2023 - 2028
  • Phối hợp trao cầu giao thông nông thôn Phước Long
Bạc Liêu
Thứ 5   30-7-2020 14:11
31.4°
moderate rain

Feels like: 32.86°
Temp range: 31.4° - 31.4°

 

Thống kê truy cập
HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẠC LIÊU
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291. 3823.880   -   Fax: 0291.3823.880   -   Email: hndtbl@gmail.com
ipv6 ready