Nhằm đẩy mạnh nền nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện, bền vững, thời gian qua huyện Hồng Dân đã có sự quan tâm, chú trọng trong việc cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

Điển hình là trong canh tác lúa, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự mua máy gặt đập liên hợp để phục vụ nhu cầu cắt lúa cho nông dân. Qua ghi nhận, hiện nay nông dân huyện Hồng Dân đang bước vào thu hoạch vụ lúa Đông xuân 2019-2020 ở hầu hết các cánh đồng đang thu hoạch lúa đều sử dụng máy gặt đập liên hợp. Vừa thu hoạch xong 8 công đất lúa Đông xuân của gia đình, ông Danh Suôl nông dân thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân cho biết: Nhiều năm qua, từ khi có máy cắt lúa thay thế cho việc thu hoạch bằng tay thì nông dân chúng tôi khỏe lắm. Bởi trước đây, khi còn cắt lúa bằng thủ công phải trải qua nhiều công đoạn, vừa mất nhiều thời gian, chi phí lại tăng cao. Giờ thì chỉ đứng nhìn máy cắt rồi sau đó tập kết đến bãi xem cân lúa, gom bao, tính tiền là đi về. Không chỉ có vụ Đông xuân, mà máy cắt còn thu hoạch được ở tất cả các vụ lúa trong năm.
Không chỉ có ở công đoạn thu hoạch mà việc cơ giới hóa trong canh tác lúa còn thực hiện ở nhiều khâu khác như: làm đất bằng máy xới, máy trục, còn ở khâu xuống giống lúa đã có nhiều bước tiến bộ khi xuất hiện máy cấy, dụng cụ sạ hàng. Hơn nữa, huyện Hồng Dân thời gian qua còn thực hiện hiệu quả trong khâu liên kết sản xuất, hình thành các ô đê bao khép kín, tổ bơm tát, tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân trên cùng đơn vị diện tích. Ông Danh Hương, nông dân thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân cho biết: hơn 5 năm qua khi tham gia sản xuất vào ô đê bao khép kín có nhiều tiện ích, nông dân trong đều xuống giống đồng loạt theo lịch né rầy mà ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo, đồng thời bơm tát nước theo hình thức tập trung nên chi phí giảm hơn 200 ngàn đồng/1 công.
Đến nay, huyện Hồng Dân có 100% diện tích đất lúa đều được cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa, đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất từ các chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tiết kiệm dinh dưỡng....qua đó đã góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thêm thu nhập cho nông dân, Ông Võ Minh Huy phó Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Hồng Dân đã chia sẻ. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong canh tác lúa đạt được trong thời gian qua chỉ là kết quả bước đầu, nhiệm vụ quan trọng thời gian tới huyện Hồng Dân xác định là từng bước xây dựng vùng sản xuất tôm sạch lúa an toàn, nhằm bảo vệ tốt môi trường, sức khỏe người tiêu dùng và hướng đến thị trường xuất khẩu có tiềm năng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương./.
TH:Hoàng Đặng