Với lợi thế hai vùng sinh thái mặn, ngọt, ưu thế nổi bật của huyện là phát triển nông nghiệp (nông nghiệp chiếm tỷ trọng 61,1% GRDP của huyện). Trong đó, vùng ngọt sản xuất lúa trồng cây ăn trái, vùng mặn nuôi tôm kết hợp với mô hình Tôm – Lúa.
Đầu năm 2020 diện tích sản xuất mô hình Tôm - Lúa là 22.500 hecta đến nay đã tăng lên 23.500, diện tích sản xuất Lúa là gần 9.000 hecta. Nhờ tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nên đã nâng cao được năng suất, chất lượng, giá trị lúa hàng hóa, năng suất Tôm nuôi đạt từ 430 đến 480 kg/hecta/năm. Tổng sản lượng lúa của huyện từ đầu năm đến nay đạt hơn 25.8000 tấn, đạt hơn 109% so với cùng kỳ; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản là hơn 44 ngàn tấn, tăng 1.800 tấn so với cùng kỳ và đạt 104,3% so với kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác là hơn 2.900 tấn, sản lượng nuôi trồng là hơn 41.000 tấn. Huyện cũng đã xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, hiện tại có ba cánh đồng lớn, diện tích sản xuất được liên kết bao tiêu sản phẩm là 20.000 hecta/31.900 ha.
Nông dân xã Lộc Ninh bán tôm cho thương lái. Ảnh: Minh Toàn
Trong thời gian tới, đối với vùng ngọt ổn định huyện sẽ tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, tạo thương hiệu sản phẩm sạch, có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh và giá trị lớn, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất lúa - gạo. Phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với diện tích canh tác gần 9000 hecta. Đồng thời, tập trung phát triển và nhân rộng cánh đồng lớn nâng cao giá trị sản xuất, có sự liên kết bền vững, hiệu quả giữa doanh nghiệp và nông dân. Xây dựng 200 hecta vùng nguyên liệu tập trung sản xuất giống trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của địa phương. Xây dựng vùng nguyên liệu trồng rau an toàn, diện tích 20 hecta tại thị trấn Ngan Dừa và xã Ninh Quới A trên cơ sở áp dụng thực hành Nông nghiệp VietGap trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với vùng xâm nhập mặn, huyện tiếp tục duy trì phát triển sản xuất mô hình lúa – tôm, lấy tôm sú lúa chất lượng cao và lúa Một bụi đỏ là trọng tâm, trong đó từng bước đưa các giống lúa mới vào sản xuất như ST24, ST25, kết hợp các loài thủy sản nước lợ có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, cua, cá bống tượng.. phấn đấu tăng sản lượng tôm gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất tôm sạch - lúa an toàn, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thay đổi cơ cấu giống lúa phù hợp, quy hoạch vùng sản xuất lúa thương hiệu Một bụi đỏ theo đúng tiêu chuẩn, quy định, đảm bảo uy tín của địa phương. Đồng thời, phát triển chỉ dẫn địa lý gạo Một bụi đỏ của huyện; tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh./.