Hồng Dân với giải pháp khuyến cáo nhân dân Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hay còn gọi là Dịch tả heo Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên heo nhà và heo rừng. Bệnh có thể gây chết 100% số heo mắc bệnh. Bệnh này không lây sang người.

Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ heo mắc bệnh sang heo khỏe mạnh như tình trạng hộ dân bán lợn con đi nơi khác khi đã phát hiện lợn mẹ có dấu hiệu bị bệnh hay cơ sở, hộ chăn nuôi bán heo có mang mầm bệnh đi nơi khác nuôi; ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn cặn, thừa ở các hộ gia đình, tổ chức hay các quán ăn, quán nhậu có sử dụng các sản phẩm từ lợn hay thức ăn công nghiệp còn dư lại ở các cơ sở, hộ gia đình đã xảy ra dịch bệnh có chứa mầm bệnh rồi dùng cho heo ăn; lây qua phương tiện vận chuyển như xe tải, vỏ vận chuyển thức ăn đến các đại lý, các hộ chăn nuôi, hay các thương lái đi thu mua, vận chuyển heo qua vùng dịch bệnh mà không sát trùng, tiêu độc đúng quy định; lồng và đòn khiên heo, dụng cụ chăn nuôi, quần áo của người vào chuồng nuôi, trong đó có cả người coi heo và người bắt, khiên heo khi mua heo có chứa mầm bệnh. Các loại xe, phương tiện giao thông đi qua vùng dịch bệnh hay xác heo chết trôi trên sông mang mầm bệnh đến các vùng chưa có dịch bệnh xảy ra từ đó con người, chó, mèo, chuột, chim, ruồi, ve mềm v.v.. dính phải chất mang mầm bệnh đó đem vào chuồng nuôi và tiếp xúc, lây bệnh cho heo trong chuồng này. Mổ heo bệnh chết để bán và trở đi nơi khác.
Về sức chịu đựng sống sót của virus gây bệnh Dịch tả heo Châu Phi. Trong thịt làm khô virus sống được 300 ngày, thịt đông lạnh: 1.000 ngày, thịt chất lượng kém tức thịt hôi thối: 105 ngày; da, mỡ: 300 ngày; phân heo ở nhiệt độ thường: 11 ngày; thực phẩm thừa bỏ đi có chứa thịt lợn: 15 tuần; chuồng heo nhiễm bệnh: 1 tháng.
Hiện nay, đàn heo của Hồng Dân đang bị bao quanh tứ phía vì bệnh Dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra ở các địa bàn giáp ranh lân cận như: huyện Vĩnh Thuận đến ngày 16/6/2019 có 8 ổ dịch ở thị trấn Vĩnh Thuận, xã Phong Đông, xã Tân Thuận và xã Vĩnh Phong, tỉnh Kiên Giang (nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Vĩnh Thuận); huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; Tỉnh Sóc Trăng; huyện Phước Long, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào địa bàn Hồng Dân là rất cao.
Trước tình hình đó, nhằm khống chế, ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh và bảo vệ đàn heo của nhân dân trước sự uy hiếp của mầm bệnh Dịch tả heo Châu Phi, ngành nông nghiệp Huyện Hồng Dân khuyến cáo nhân dân thực hiện các giải pháp sau:
Một là, Không vận chuyển heo sống (kể cả heo rừng) và các sản phẩm từ heo chưa qua xử lý nhiệt, không rõ nguồn gốc từ các địa phương khác vào địa bàn huyện.
Hai là, nên mua thịt heo tại các điểm bán thịt heo cố định, được xã, thị trấn cho phép kinh doanh thịt heo; có dấu kiểm soát giết mổ; không bị hôi thối, biến màu khác. Không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết. Không vứt xác heo chết ra môi trường.
Ba là, Phải rải vôi bột xung quanh chuồng nuôi, đường đi, cống rãnh, cổng ra, vào chuồng chăn nuôi với liều lượng 100gr/m2, có hố, dụng cụ đựng dung dịch sát trùng hay vôi bột trước lối ra vào chuồng nuôi để người ra, vào chuồng nuôi phải bước chân vào sát trùng.
Bốn là, sát trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi bằng các hóa chất sát trùng được phép sử dụng, như Benkocid, Bioxide, Cloramin B,… theo đúng hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất hay theo khuyến cáo của ngành chuyên môn với tần suất phun xịt ít nhất 1 tuần/lần và theo lịch khuyến cáo của địa phương.
Năm là, Lập hàng rào cơ học, không cho người lạ, người không có nghĩa vụ, trách nhiệm, vật truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi heo.
Đối với người trực tiếp theo dõi, chăm sóc đàn heo hay thương lái, người dẫn mối trước khi vào chuồng nuôi phải nên sát trùng chân tay, thay quần áo, ủng, dép sạch, đã qua sát trùng, tiêu độc.
Sáu là, phương tiện, dụng cụ phải được tiêu độc, sát trùng trước khi đưa vào khu vực chăn nuôi, đặc biệt là các lồng, đòn khiên heo.
Bảy là, không dùng thức ăn dư thừa có chứa thịt heo, mỡ heo ở các quán ăn, quán nhậu, cơ sở, hộ gia đình để cho heo ăn.
Tám là, không nên cho nhân công của công ty, đại lý trực tiếp mang thức ăn vào khu vực chăn nuôi để tránh mang mầm bệnh vào. Lưu ý nên mua thức ăn tại các đại lý, công ty có uy tín, chất lượng, bao bì sạch sẽ để tránh mua nhằm các bao thức ăn còn dư thừa có mang mầm bệnh của các cơ sở, hộ chăn nuôi đã xảy ra ổ dịch bệnh.
Chín là, phải đề nghị thương lái thu mua sát trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển, dụng cụ khiên heo trước khi ghé nhà, khu vực chăn nuôi của mình.
Mười là, do hiện nay cả nước chưa khống chế được bệnh Dịch tả heo Châu Phi nên người chăn nuôi không nên tiếp tục phối giống cho heo nái, có thể bỏ qua 1 đến 2 nước lên giống, hay nhập đàn heo mới để hạn chế rủi ro xảy ra.
Mười một là, tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch tiêm phòng vắc xin để phòng các bệnh cần thiết khác và sử dụng các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn heo nuôi.
Mười hai là, hiện nay huyện có trên 18.000 con heo đến lứa bán heo thịt, các thương lái lớn xuất chủ yếu xuống Cà Mau gần đây không đến thu mua heo nữa vì tỉnh Cà Mau đã có ổ dịch bệnh trên heo nên yêu cầu giấy tờ xét nghiệm heo không mang mầm bệnh, truy xuất nguồn gốc, thủ tục kiểm dịch rất nghiêm ngặt; trong khi lượng heo tiêu thụ tại huyện trung bình chỉ khoảng 55 con mỗi ngày nếu vậy phải cần 12 tháng nữa mới xuất hết lượng heo nêu trên, chưa tính lứa khác nối tiếp lớn lên; do vậy cho nên, bà con chăn nuôi khi có điều kiện nên xuất bán ngay những đàn heo đã đến kỳ xuất bán để giảm tổn thất về kinh tế trước rủi ro dịch bệnh, mất giá.
Mười ba là, khi phát hiện đồng thời các dấu hiệu trên heo như sốt cao, da sung huyết, xuất huyết, tiêu chảy nhiều hoặc heo chết đột ngột không rõ nguyên nhân phải thông báo ngay cho mạng lưới thú y xã hoặc UBND xã, thị trấn nơi gần nhất. Đồng thời phải nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của mạng lưới thú y xã, cơ quan có thẩm quyền.
Kính báo đến nhân dân được rõ và tổ chức thực hiện để đạt hiệu quả kinh tế gia đình cao hơn.
KS. Sử An Bình
( Phòng NN & PTNT huyện Hồng Dân)