null
Hội Nông dân huyện Hòa Bình Vận động Nông dân phát triển các mô hình sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tin hoạt động
Chủ nhật, 23/01/2022, 15:12
Màu chữ
Cỡ chữ
Hội Nông dân huyện Hòa Bình Vận động Nông dân phát triển các mô hình sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Huyện Hòa Bình có diện tích đất tự nhiên 42.649 ha; diện tích đất nông nghiệp 32.809 ha (chủ yếu là đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản); Nông nghiệp là ngành sản xuất chính của huyện, với điều kiện khí hậu, đất đai, hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn xã Minh Diệu
Những năm qua, huyện tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực sản xuất; năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm tăng lên do ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến và nuôi trồng thủy sản kết hợp. Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp thông qua phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi hàng năm để tổ chức triển khai, thực hiện một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, cụ thể là:
Vùng mặn phía Nam Quốc lộ 1 A (bao gồm các xã Vĩnh Mỹ A, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Hậu, một phần thị trấn Hòa Bình) nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là tôm, cua, cá kèo, artemia và một số đối tượng thủy sản khác). Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt gần 73.000 tấn, trong đó sản lượng tôm gần 49.500 tấn, cá và thủy sản khác trên 23.500 tấn; diện tích canh tác thủy sản 16.465ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh là 7.000ha (diện tích nuôi siêu thâm canh 854ha), quảng canh cải tiến kết hợp là 7.675ha, cá và thủy sản khác 1.790ha. Diện tích mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao phát triển nhanh, sản lượng đạt 26 tấn/vụ, có 133 hộ thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 854ha.
Vùng ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A (bao gồm các xã Minh Diệu, Vĩnh Bình, Vĩnh Mỹ B và một phần thị trấn Hòa Bình) chuyên sản xuất lúa, trồng rau màu và chăn nuôi. Diện tích canh tác lúa 11.476ha, diện tích gieo trồng 32.834ha, sản lượng đạt 194.800 tấn; nông dân đưa các giống lúa chất lượng cao (Nàng hoa 9, Đài thơm 8, ST 24, 25, OM5451,...) vào sản xuất đạt trên 90% tổng diện tích gieo trồng toàn huyện; công tác tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được chú trọng (sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP, SRP, ứng dụng chế phẩm vi sinh, sản xuất theo mô hình tưới ngập khô xen kẽ, canh tác lúa thông minh, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm); thực hiện cơ giới hóa sản xuất góp phần giảm chi phí, giảm thất thoát, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo (khâu làm đất và thu hoạch được cơ giới hóa đạt 100% diện tích); đã xây dựng được 07 cánh đồng lớn với diện tích canh tác là 970 ha (xã Vĩnh Mỹ B 03 cánh đồng, diện tích 520ha; xã Minh Diệu 03 cánh đồng, diện tích 330ha; Vĩnh Bình 01 cánh đồng, diện tích 120ha) đã từng bước xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo toàn huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong tổ chức, triển khai thực hiện các mô hình cũng còn gặp một số khó khăn như sau:
- Đối với trồng trọt chỉ độc canh cây lúa, thâm canh 3 vụ làm hao mòn tài nguyên đất đai, môi trường ô nhiễm, hiệu quả kinh tế trong sản xuất không cao; chưa có mô hình luân canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
- Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp một số tiểu vùng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất ứng dụng công nghệ cao và phòng chống thiên tai; một số cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa đủ điều kiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải.
- Nguồn nhân lực phục vụ mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chưa được đào tạo bài bản; chỉ được tập huấn thông qua các lớp khuyến ngư; do đó việc ứng dụng khoa học công nghệ gắn với áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa đạt yêu cầu.
- Các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp (hợp tác xã, tổ hợp tác) chậm đổi mới; thiếu mô hình liên kết hiệu quả cùng có lợi và chia sẻ rủi ro giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng đầu vào, doanh nghiệp chế biến và các tổ chức tín dụng... Vì thế nông dân vẫn chịu ảnh hưởng thiệt thòi nhiều nhất khi gặp rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Từ những khó khăn nêu trên, Hội Nông dân huyện tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về nội dung của tái cơ cấu nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo sự thống nhất về tính tất yếu phải xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa dựa vào khoa học, kỹ thuật tiên tiến, có tính cạnh tranh cao gắn với thị trường tiêu thụ, ít gây ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, Phối hợp thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng của Chính phủ hỗ trợ tái cơ cấu và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất; liên kết với các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đội ngũ lao động có tay nghề cao trong sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm, chế biến các sản phẩm xuất khẩu từ tôm nguyên liệu; lồng ghép chương trình đào tạo nghề, chương trình khuyến nông thực hiện đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nông dân các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch.
Thứ ba, Vận động hội viên, nông dân nâng cao ý thức về việc giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên đất, nước, nhất là môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, giảm sử dụng vật tư nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính; quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn nước trên hệ thống các kênh thủy lợi để phát triển nông nghiệp bền vững.
Thứ tư, Thành lập tổ chức kinh tế hợp tác, khuyến khích thực hiện cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất cho thành viên (dịch vụ vật tư, kỹ thuật, thủy lợi, làm đất, thu hoạch, bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh trên thủy sản, gia súc, gia cầm,..); tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo, tôm trên cơ sở thực hiện liên kết 5 nhà (Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông - Tổ chức tín dụng).
Thứ năm, Nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nội đồng; từng bước chuyển đổi cơ chế quản lý vận hành các công trình và dịch vụ thủy lợi theo cơ chế thị trường, gắn lợi ích với quyền, trách nhiệm của người sử dụng nước; thực hiện duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống công trình theo quy định bảo trì và vận hành, bảo đảm cho hệ thống công trình vận hành an toàn, ổn định, tránh để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến sản xuất.
Với những giải pháp cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của nông dân trong huyện và sự đồng hành của Hội Nông dân các cấp, chúng ta có cơ sở tin rằng nền nông nghiệp huyện Hòa Bình sẽ phát triển bền vững với sự đổi mới tư duy của người nông dân trong thời kỳ công nghệ 4.0 và từ đây sẽ tác động tích cực đến đời sống của nông dân trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn./.