null Hợp tác xã Đồng Tiến – rộn rã mùa thu hoạch Ốc Hương biển

Tin hoạt động
Chủ nhật, 23/01/2022, 11:11
Màu chữ Cỡ chữ
Hợp tác xã Đồng Tiến – rộn rã mùa thu hoạch Ốc Hương biển

Vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, được đồng chí Lâm Quốc Viện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thịnh giới thiệu, chúng tôi có dịp đến tham quan Hợp tác xã Đồng Tiến, có trụ sở đóng tại ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh – huyện Hòa Bình. Trong không khí hân hoan chuẩn bị đón xuân sang và điều đặc biệt nữa là Hợp tác xã (HTX) đang bước vào vụ thu hoạch ốc Hương biển, một đối tượng thủy sản mới được HTX đưa vào nuôi thử nghiệm của năm đầu tiên, đã cho kết quả đáng phấn khởi.

Quang cảnh trụ sở của Hợp tác xã Đồng Tiến tại xã Vĩnh Thịnh

Đồng chí Huỳnh Mừng Em – Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX và đồng chí Mã Quốc Thắng – Phó Giám đốc HTX phấn khởi cho biết: Ngoài diện tích 900ha trên vùng biển gần bờ, khu vực xã Vĩnh Thịnh đã được HTX khai thác đưa vào nuôi sò huyết và nghêu từ khi HTX được thành lập (năm 2006) đến nay, luôn được quản lý và khai thác tốt nguồn lợi thủy sản được thiên nhiên ưu đãi cho địa phương, và hiện tại có hàng trăm xã viên tham gia thu hoạch nghêu và xò huyết trong khu vực thả nuôi, sản lượng mỗi ngày có lúc trên 2 tấn nghêu, xò thương phẩm, được chuyển đến phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh, HTX còn tập trung kiểm tra, phân loại và thu hoạch số Ốc Hương biển đã đạt yêu cầu tiêu thụ của thị trường, đây là đối tượng thủy sản mới được HTX thả nuôi thử nghiệm lần đầu và sau 6 tháng đã cho kết quả rất khả quan.
Được hỏi cơ duyên nào đã đưa con ốc Hương biển về đến vùng ven biển xã Vĩnh Thịnh, đồng chí Huỳnh Mừng Em, giám đốc HTX bộc bạch tâm sự: Với trách nhiệm của người quản lý và điều hành mọi hoạt động của HTX , anh luôn trăn trở trước những khó khăn về cuộc sống của xã viên HTX, bởi vì trong những lúc sản lượng sò huyết và con nghêu được khai thác khá tốt thì thị trường tiêu thụ lại xuống giá, làm giảm đi nguồn thu nhập của xã viên và có những năm thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến sản lượng khai thác nguồn thủy sản nuôi trồng bị giảm sút, thì đời sống của hơn 900 xã viên HTX cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, vì thế cuộc sống chưa phát triển bền vững như mong muốn. 
Trước những hoàn cảnh đó, đồng chí Huỳnh Mừng Em đầu tư thời gian tìm hiểu thông tin, học hỏi trên mạng Internet và liên hệ đến bạn bè tại các tỉnh ven biển miền trung, trong một lần đi tham quan học hỏi, anh đã tiếp cận với mô hình nuôi ốc Hương biển, anh nhận thấy với đặc điểm sinh học của loài ốc nầy, có thể thích nghi với vùng ven biển Bạc Liêu, và anh đã bàn bạc, trao đổi cùng với lãnh đạo Chi bộ, Ban giám đốc HTX và sau đó anh mạnh dạn quyết định đưa mô hình nầy về nuôi thử nghiệm tại vùng ven biển xã Vĩnh Thịnh, và hôm nay kết quả bước đầu đã thành công tốt đẹp. 

Đồng chí Huỳnh Mừng Em, giám đốc HTX Đồng Tiến trao đổi với cán bộ HND tỉnh về tình hình hoạt động của HTX

Được hỏi về kỹ thuật nuôi con ốc Hương biển và dự kiến phát triển mô hình này trong hướng tới của HTX ra sao? đồng chí Huỳnh Mừng Em chia sẻ: Hiện tại, với số lượng thả nuôi ban đầu là 600 ký ốc giống, được nuôi trong 7 hồ với diện tích 3.000m2. Qua 6 tháng nuôi, kết quả kiểm tra cho thấy. khả năng sản lượng ốc đạt tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường (150 con/ký) khoảng 3 tấn ốc thương phẩm, với giá hiện nay khoảng từ 200.000 đến 250.000 đồng/ký. Qua hạch toán kinh tế, lợi nhuận đạt trên 50% sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư. đồng chí Mừng Em cho biết thêm: Thời gian này do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên thị trường tiêu thụ bị giảm đáng kể, nên giá bán có phần xuống thấp, anh đã tham khảo thông tin thị trường thời gian trước đây, giá ốc có lúc lên đến trên 300.000 đồng/ký mà không có hàng giao tại các thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…và hiện tại, mô hình nuôi ốc Hương biển chưa xuất hiện nhiều ở các tỉnh ven biển khu vực Nam bộ.
 Nói về kỹ thuật nuôi ốc Hương biển thì củng không có gì phức tạp, sau khi tra cứu tài liệu trên mạng Internet và thả nuôi thành công, anh cho biết như sau: Ốc hương (Babylomia qreslata) là loài ốc biển rất quý, có giá trị dinh dưỡng và xuất khẩu cao. Ốc hương biển trên thị trường được xem là mặt hàng thủy sản đặc sản, giá bán cao hơn nhiều so với các loài thủy sản khác. Hiện nay ốc hương biển là một trong những đối tượng nuôi mới ở tỉnh Bạc Liêu chúng ta.
* Về đặc điểm hình thái, cấu tạo: Ốc hương biển có vỏ mỏng nhưng chắc chắn, tháp vỏ bằng chiều dài của vỏ. Mặt ngoài da vỏ màu trắng có điểm những hàng phiếm vân màu tím, nâu, nâu đậm hình chữ nhật, hình thoi. Lỗ miệng có vỏ hình bán nguyệt, mặt trong có màu trắng sứ, lỗ trục vỏ sâu, rõ ràng.
Ở nước ta ốc hương biển phân bố dọc ven biển từ Bắc vào Nam, trong đó khu vực phân bố chính thuộc các tỉnh từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị và đặc biệt nhiều ở Bình Thuận, Kiên Giang, Vũng Tàu. Khu vực ốc hương biển phân bố thường cách xa bờ 2-3 km, có nền đáy gồ ghề tương đối dốc, chất đáy là cát hay cát pha lẫn mùn bã hữu cơ, độ sâu trung bình 8-12 m. 
* Về môi trường nuôi ốc hương biển cần chú ý đó là:
* Chất đáy: Ốc hương biển con thường bắt gặp ở vùng đáy cát có lớp bùn mềm trên mặt. Ốc hương biển trưởng thành sống chủ yếu ở nền đáy cát, cát bùn hoặc cát có pha lẫn vỏ động vật thân mềm.
* Độ mặn: Độ mặn thích hợp nhất cho ốc hương biển phát triển là từ 25- 35‰. Ốc hương biển có khả năng thích nghi với độ mặn từ 15 - 45‰  nếu được thuần hoá dần và  nếu tăng hoặc giảm độ mặn đột ngột thì ốc hương biển sẽ bị chết do bị sốc.
* Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho ốc hương  biển sinh trưởng và phát triển là từ 26-280C. Ốc hương biển có khả năng chịu đựng nhiệt độ từ 12 - 350C, nhiệt độ trên 350C đã bắt đầu gây chết ốc nếu kéo dài trong khoảng 24 giờ.
* Đặc điểm dinh dưỡng: Dinh dưỡng của ốc hương biển thay đổi theo giai đoạn phát triển. Ở giai đoạn ấu trùng ốc hương biển ăn chủ yếu các loài tảo đơn bào. Từ giai đoạn ốc giống đến trưởng thành thức ăn ưa thích của ốc hương biển là động vật thân mềm hai mảnh vỏ ( trai, sò, nghêu…), các loại giáp xác (tôm, cua, ghẹ), cá tạp các loại...
* Đặc điểm sinh trưởng: Tốc độ tăng trưởng của ốc hương biển khác nhau ở các nhóm kích thước khác nhau, kích thước càng nhỏ thì tốc độ tăng trưởng càng cao, nhanh nhất là nhóm kích thước 1-10 và 10-20mm.
* Chọn vị trí ao nuôi: Ao nuôi phải được bố trí nằm ở vùng hạ triều, thuận lợi trong việc cấp và thoát nước theo thuỷ triều hoặc có thể xây dựng ao nuôi ở vùng trung, cao triều, phải có thiết kế hệ thống cấp và xả nước riêng biệt và chủ động được trong việc cấp và thoát nước.
- Chất đáy: Cát, cát có ít bùn.
- Nguồn nước: nước biển có độ mặn từ 25 - 35‰, không bị ảnh hưởng nước ngọt do tác động của sông suối. Diện tích ao: Từ 500 - 3.000 m2, tốt nhất từ 1.000 - 1.500 m2. Độ sâu ao nuôi: từ 1,2 - 1,5m. Và phải Có hệ thống điện lưới, giao thông thuận lợi.
- Đối với ao đáy cát lót bạt: Cần chọn nơi có độ kiềm cao và thuận lợi cho việc thay nước.
* Thức ăn: Ốc hương biển từ giai đoạn bò lê sống đáy đã có khả năng ăn mồi động vật như thịt tôm, cá, động vật thân mềm 2 mảnh vỏ. Chúng nhận biết mùi tanh và tìm đến mồi rất nhanh nhờ hoạt động xúc tu và các cơ quản cảm giác. Thức ăn ưa thích của ốc hương biển là động vật thân mềm hai mảnh vỏ, các loại cá, các loại giáp xác bao gồm cua, ghẹ, tôm... Thức ăn cho ốc phải tươi, không được dùng loại thức ăn được bảo quản bằng hóa chất.
* Thu hoạch: Thông thường thời gian nuôi ốc hương biển từ 5-7 tháng, tùy theo điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng. Khi ốc hương biển đạt kích cỡ từ 90-150con/kg thì tiến hành thu hoạch.
Với những điều kiện kỹ thuật và môi trường như đồng chí giám đốc HTX Huỳnh Mừng Em trình bày bên trên, thì vùng ven biển Bạc Liêu chúng ta có đủ điều kiện cần thiết để thả nuôi giống ốc hương biển, như hiện nay HTX Đồng Tiến đã tiến hành nuôi thử nghiệm và đã thành công bước đầu, mở ra nhiều triển vọng cho việc phát triển mô hình nầy trong cộng đồng dân cư chuyên nghề nuôi trồng thủy sản vùng ven biển. Đồng chí Mã Quốc Thắng, phó giám đốc HTX cho biết thêm: Tới đây, HTX sẽ tiến hành nhân rộng mô hình theo phương pháp liên hệ với nơi cung cấp con giống hỗ trợ nông dân về mặt ốc hương giống (có thu phí), phối hợp với chuyên ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thả nuôi ốc và kết nối địa chỉ tiêu thụ sản phẩm khi thu hoạch, bảo đảm cho nông dân có thêm việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện nâng cao mức sống, để có đủ điều kiện tham gia thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, làm thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước xây dựng, nâng cấp xã Vĩnh Thịnh trở thành thị trấn trong tương lai không xa với ngành nghề chính là khai thác các nguồn lợi trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Bạc Liêu và Huyện ủy Hòa Bình đã nêu./.

Ngô Minh

Số lượt xem: 789

  • Đại hội Hội Nông dân huyện Đông hải nhiệm kỳ 2023 - 2028
  • Phối hợp trao cầu giao thông nông thôn Phước Long
Bạc Liêu
Thứ 5   30-7-2020 14:11
31.4°
moderate rain

Feels like: 32.86°
Temp range: 31.4° - 31.4°

 

Thống kê truy cập
HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẠC LIÊU
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291. 3823.880   -   Fax: 0291.3823.880   -   Email: hndtbl@gmail.com
ipv6 ready