Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thời gian qua, trên địa bàn huyện Hồng Dân có nhiều nông dân mạnh dạn áp dụng sản xuất những mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Võ Văn Nhờ ở ấp Ninh Hòa, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân với mô hình trồng môn Thái lấy ngó là một ví dụ điển hình như thế.

Ông Võ Văn Nhờ cho biết, trong một lần tình cờ xem Đài truyền hình Hậu Giang, ông thấy Đài có đưa tin về mô hình trồng môn Thái lấy ngó đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vậy là ông mài mò tìm đến nơi để học hỏi từ đó mạnh dạn áp dụng sản xuất trên mãnh đất của mình. Thời điểm tháng 10 năm 2018, trong khi mọi người bắt tay vào sản xuất vụ lúa đông xuân vụ mùa 2018-2019, thì ông Nhờ lại mua 4.500 cây giống môn Thái, với giá 1.500 đồng/cây, trồng trên diện tích 2,5 công đất. Ông Nhờ chia sẻ “Khi mới đem về trồng mọi người cười và cho rằng ông bị khùng, bởi từ trước tới giờ có ai trồng môn lấy ngó bao giờ”. Cũng theo ông Nhờ, mặc dù có khó khăn do mô hình sản xuất mới nhưng nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi nên ruộng môn của gia đình ông phát triển tốt, sau hơn 3 tháng trồng đã cho thu hoạch đợt ngó đầu tiên.
Do mới trồng lần đầu nên ông cũng đã đi khắp nơi để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật và biết được, mô hình này dễ trồng, ít sâu bệnh, chủ yếu là tốn công chăm sóc. Sau khi thu hoạch đợt ngó đầu tiên thì sau đó cứ 7 ngày là thu hoạch một lần, trung bình 02 công môn mỗi tuần sẽ cho thu hoạch từ 200kg đến 300kg ngó, nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch cao hơn, tùy theo từng loại ngó mà có giá bán khác nhau, dao động từ 7.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, và cứ thế thu hoạch kéo dài sau một năm rưỡi cây môn mới tàn rụi. Tuy nhiên, do đây là mô hình sản xuất mới nên muốn sản xuất đạt hiệu quả, người dân rất cần được sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành chuyên môn.
Anh Võ Văn Ngoặt, Chủ tịch Hội nông dân xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân cho biết “ đây là mô hình sản xuất mới nên ngành chuyên môn cần tổ chức hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả hơn”.
Do đây là mô hình sản xuất mới nên đầu ra còn hạn chế, vì vậy người dân cũng mong muốn chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tìm đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cũng cần theo dõi đánh giá nếu thấy mô hình có hiệu quả thì nhân rộng, giúp cho người dân có thêm sự lựa chọn trong sản xuất, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay./.
T/H: Minh Toàn, Hoàng Đặng
Minh Toàn Đài truyền thanh Hồng Dân