null Hội Nông dân huyện Hòa Bình Mở lớp truyền thông cho cán bộ Hội Nông dân cấp cơ sở tiếp cận với chính sách Bảo hiểm xã hội – Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm tự nguyện

Tin hoạt động
Thứ năm, 23/03/2017, 14:41
Màu chữ Cỡ chữ
Hội Nông dân huyện Hòa Bình Mở lớp truyền thông cho cán bộ Hội Nông dân cấp cơ sở tiếp cận với chính sách Bảo hiểm xã hội – Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm tự nguyện

Sáng ngày 23/3/2017, HND huyện Hòa Bình đã triệu tập gần 80 đại biểu là cán bộ lãnh đạo cơ sở Hội và các đồng chí Chi hội trưởng HND các ấp trong huyện.Tại buổi truyền thông, các đại biểu đã nghe đồng chí Phan Thắng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh phổ biến những nội dung cơ bản của Luật BHXH và BHYT. Qua đó, đồng chí cho biết, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện ở Việt Nam hiện nay còn rất non trẻ so với các nước, nhưng lại mang ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bởi BHXH, BHYT đã thực sự trở thành một công cụ đắc lực và hiệu quả, giúp cho Nhà nước điều tiết xã hội trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Và có thể nói rằng BHXH, BHYT và Bảo hiểm tự nguyện (BHTN) giữ vai trò trụ cột, bền vững trong hệ thống an sinh xã hội, dựa trên những nguyên tắc sau:

Một là, người lao động khi có việc làm và khỏe  mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập để hỗ trợ bản thân hoặc người khác khi ốm đau, tai nạn, lúc sinh đẻ và chăm sóc con cái, khi không làm việc, lúc tuổi già để duy trì và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình. Cho nên, hoạt động BHXH, BHYT,  BHTN  một mặt đòi hỏi tính trách nhiệm cao của từng người lao động đối với bản thân mình, với gia đình và cộng đồng, xã hội theo phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thông qua quyền và nghĩa vụ. Mặt khác, nó thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất về quyền lợi trong một thể chế chính trị - xã hội bền vững. Thông qua đó người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm đóng góp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, góp phần trách nhiệm bảo vệ nguời lao động khi gặp phải rủi ro.

Hai là, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn đảm bảo sự bình đẳng về vị trí xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển. Xóa bỏ nhận thức trước đây cho rằng chỉ có làm việc trong khu vực Nhà nước, là công nhân viên chức Nhà nước mới được gọi là có việc làm và được hưởng các chính sách BHXH,BHYT, BHTN.

Ba là, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN nhằm ổn định cuộc sống người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro. Người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN khi ốm đau sẽ được khám chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả chi phí và được trợ cấp ốm đau, được nghỉ chăm con khi con ốm; khi thai sản được nghỉ khám thai, được nghỉ sinh đẻ và nuôi con, được nhận trợ cấp khi sinh con và trợ cấp thai sản;  khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ nhận được phần trợ cấp do giảm khả năng lao động do tai nạn, bệnh nghề nghiệp gây ra; được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sinh đẻ hay điều trị thương tật; được hưởng trợ cấp thất nghiệp và được giới thiệu việc làm hoặc được học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Với tâm lý của mọi người, luôn tin tưởng vào các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, vì vậy khi làm việc được tham gia BHXH, BHYT, BHTN và nhất là sau này sẽ được hưởng lương hưu, từ đó tạo sự phấn khởi, tâm lý ổn định, người lao động an tâm làm việc. Và thực tế nhiều doanh nghiệp, khi tuyển dụng lao động, thì tiêu thức được tham gia BHXH, BHYT, BHTN cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút được nhiều lao động tham gia vào doanh nghiệp. 

 

 

Bốn là, BHXH, BHYT, BHTN còn là một công cụ đắc lực của Nhà nước, góp phần vào việc phân phối lại thu nhập một cách công bằng, hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, đồng thời giảm chi cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội bền vững. 

Năm là, quyền lợi của các chế độ BHXH, BHYT, BHTN không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và mức sống chung toàn xã hội tại từng thời điểm, đảm bảo cuộc sống của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đặc biệt là người tham gia bảo hiểm tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu sau cả một quảng đời lao động cực nhọc. 

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014, gồm 09 chương, 125 điều, quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan BHXH; Quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH. Điểm đáng lưu ý Luật BHXH (sửa đổi) có những nội dung mới cần quan tâm như sau:

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH: Luật BHXH (sửa đổi) lần này mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người lao động có hợp đồng lao động 01-03 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Luật hóa một số nhóm đối tượng đã được thực hiện theo các quy định hiện hành: học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. 

Chế độ thai sản: Bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, đẻ dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày nếu sinh đôi và thên 3 ngày/01con nếu sinh 3 trở lên; 14 ngày nếu sinh 2 trở lên mà phải phẫu thuật; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần đảm bảo điều kiện đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, bổ sung trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng BHXH giống như lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; sửa đổi quy định trong trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ; trường hợp mẹ đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa  đủ  thời gian đóng BHXH theo quy định mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng  được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; bổ sung quy định trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không có đủ sức khỏe để chăm sóc con có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; bổ sung trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con; tăng thêm 01 tháng cho thời gian lao động nữ nghỉ thai sản trong trường hợp con chết sau khi sinh; bổ sung quy định chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.

Chế độ hưu trí: Về chế độ hưu trí, bổ sung quy định Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu (tuy nhiên, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì không được bù bằng mức lương cơ sở). 

Đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi: Quy định lộ trình tăng tuổi hưởng lương hưu đối với nhóm bị suy giảm khả năng lao động như sau: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi thì nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định.

Từ ngày 01/1/2016 trở đi, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. 

Luật BHXH (sửa đổi) điều chỉnh dần mức lương hưu hằng tháng theo hướng tăng dần số năm đóng. Những trường hợp nghỉ hưu trước 01/01/2018 cách tính hưởng vẫn như Luật BHXH hiện hành. Để hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 trở đi phải tham gia đóng BHXH 30 năm, lao động nam nghỉ hưu từ  năm 2022 trở đi phải đóng BHXH 35 năm. Về cách tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này, bắt đầu tham gia đóng BHXH từ 01/01/2025 trở đi thì bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

BHXH tự nguyện: Đối với BHXH tự nguyện bỏ quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, bỏ quy định mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) để phù hợp với khả năng tham gia của người dân, quy định người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng BHXH tự nguyện một cách linh hoạt ngoài các phương thức đã quy định lần này cho phép có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Sau khi tham dự các buổi truyền thông, cán bộ Hội cơ sở sẽ có đủ kiến thức, năng lực tuyên truyền, hiểu đúng các khái niệm về BHXH,BHYT, BHTN và xác định rõ đối tượng cần được tư vấn, tuyên truyền, vận động tham gia đóng các loại hình bảo hiểm. Bên cạnh, cán bộ Hội cũng phổ biến rõ thủ tục tham gia bảo hiểm, mức đóng, phương thức đóng, thời điểm đóng, quyền lợi và mức thụ hưởng khi tham gia bảo hiểm…Mặt khác, để giúp cán bộ Hội có điều kiện khi tuyên truyền vận động hội viên tham gia bảo hiểm, các đồng chí còn được Báo cáo viên truyền đạt những kỷ năng cơ bảo trong việc thực hiện công tác tư vấn, truyền thông về các loại hình bảo hiểm. Biết phương pháp giao tiếp, lắng nghe, chia sẻ, động viên, quan sát, tìm hiểu nhu cầu, đặt câu hỏi, và biết cách xử lý những tình huống phát sinh cụ thể của từng đối tượng để xây dựng lòng tin cho hội viên tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Với vai trò, nhiệm vụ của cán bộ Hội cơ sở và với tư cách của một tuyên truyền viên, được trang bị những kiến thức cơ bản về Luật BHXH,BHYT và BHTN, tin rằng qua đợt truyền thông nầy, các hội viên nông dân sẽ tiếp cận được các chính sách bảo hiểm của Nhà nước và từ đó sẽ tích cực tham gia bảo hiểm, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân mua bảo hiểm và tạo được một công cụ đắc lực và hiệu quả, giúp cho người lao động an hưởng tuổi già một cách vui vẽ, hạnh phúc, xứng đáng với những công lao đã đóng góp cho xã hội và xây dựng đất nước./.

Ngô Minh

Số lượt xem: 414

Tin đã đưa
  • Đại hội Hội Nông dân huyện Đông hải nhiệm kỳ 2023 - 2028
  • Phối hợp trao cầu giao thông nông thôn Phước Long
Bạc Liêu
Thứ 5   30-7-2020 14:11
31.4°
moderate rain

Feels like: 32.86°
Temp range: 31.4° - 31.4°

 

Thống kê truy cập
HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẠC LIÊU
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291. 3823.880   -   Fax: 0291.3823.880   -   Email: hndtbl@gmail.com
ipv6 ready