
Đồng chí Phạm Tuấn Tài, PCT Thường trực HND tỉnh, phát biểu khai mạc hội nghị bàn giải pháp hợp tác, đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học cho nông dân
Sáng ngày 02/7/2020, tại Hội trường Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp, đồng chí Phạm Tuấn Tài, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, trưởng các Ban, Văn phòng, Ban Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức cuộc Hội nghị với lãnh đạo Trường Đại học Bạc Liêu do đồng chí Phó Giáo sư.Tiến sĩ.Từ Diệp Công Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Bạc Liêu với nội dung: “Bàn các giải pháp hợp tác, đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học cho nông dân”.
Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Tuấn Tài, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh đã báo cáo khái quát tình hình tổ chức bộ máy của tỉnh Hội và những hoạt động phong trào nỗi bật trong thời gian qua. Đặc biệt là việc thực hiện 3 phong trào lớn của Trung ương Hội Nông dân VIệt Nam phát động đã đạt được một số kết quả khả quan, hội viên nông dân tích cực tham gia, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; sản xuất theo mô hình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thành các tổ hợp tác, Hợp tác xã, mô hình cánh đồng lớn…đã tạo nên tư duy mới cho người nông dân trong sản xuất và từng bước thích nghi với những đòi hỏi khắc khe của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp đã có một số hoạt động phối hợp với các Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kết nối hỗ trợ nông dân vật tư sản xuất nông nghiệp theo phương thức trả chậm, không tính lãi, định hướng cho nông dân sản xuất các loại giống mới, có chất lượng, năng xuất cao, có tính cạnh tranh trên thị trường…từ đó, giúp nông dân phát triển kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung hoạt động của các cấp Hội trong tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Về nguồn lực, chưa có sự phối hợp và hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chuyên ngành về khoa học kỹ thuật trên lĩnh vực nông nghiệp, kinh phí dùng cho công tác chuyển giao khoa học cho nông dân chưa nhiều; công tác bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo, nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật cho nông dân chưa được đổi mới nội dung và chưa theo kịp với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ đó, dẫn đến kiến thức sản xuất của nông dân có phần lạc hậu và vẫn bám theo kiểu sản xuất nông nghiệp truyền thống mà thực hiện, chưa mạnh dạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả kinh tế thì chưa được nhân rộng kịp thời và một bộ phận nông dân vẫn chưa mạnh dạn thực hiện vì nhiều lý do, nhất là khâu tiêu thụ nông sản chưa được bảo đảm, giá cả lên xuống thất thường mà phần thua thiệt thường rơi về phía người nông dân, từ đó lợi nhuận của người nông dân thấp, nên nông dân không an tâm sản xuất.
Mặt khác, Hội Nông dân các cấp cũng cố gắng liên hệ mời gọi các Công ty, doanh nghiệp kết hợp với nông dân và có những chính sách hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất như hỗ trợ về giá cả vật tư “đầu vào”, bao tiêu nông sản “đầu ra”. Tuy nhiên, do áp lực của cơ chế thị trường nên mối quan hệ nầy thường bị “phá vỡ” mà nguyên nhân, có lúc cũng bắt nguồn từ cả 2 bên.
Đối với những người nông dân sản xuất giỏi thì có đôi lúc làm ra những sản phẩm có chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao, đủ sức cạnh tranh thị trường, nhưng họ chưa hiểu được cách thức để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình với thị trường vì thực tế họ chưa hiểu được giá trị của một thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa của mình khi được thị trường tiêu thụ chấp nhận và đánh giá cao, từ đó hàng hóa có giá bán chưa thể hiện đúng giá trị ngang tầm của hàng hóa.
Với thực trạng hoạt động của tổ chức Hội các cấp và yêu cầu đòi hỏi khách quan từ cuộc sống và sản xuất của người nông dân, Tỉnh Hội có định hướng hoạt động tới đây, sẽ tạo điều kiện phối hợp chặt chẽ với trường Đại học Bạc Liêu, bám sát chủ trương chung của tỉnh, hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ lực là khai thác,nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình Tôm – Lúa và các loại thủy sản nước ngọt, phát triển mô hình đa cây, đa con và tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, để sản xuất ổn định, bền vững.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Từ Diệp Công Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu phát biểu ghi nhận các nội dung hợp tác
Đồng tình với những định hướng của Hội Nông dân tỉnh, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Từ Diệp Công Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu nhận định: Hoạt động của Tỉnh Hội thời gian qua đã có những cố gắng đột phá vào những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người nông dân, nhưng thực tế các hoạt động vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi phát triển của nông dân trong quá trình thực hiện sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, có thể nói vấn đề nầy vừa có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, chi phối rất lớn đến cuộc sống và sản xuất của người nông dân và các hoạt động của Hội Nông dân tỉnh trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Vì thế, qua buổi trao đổi bước đầu, Trường Đại học Bạc Liêu cơ bản đã nắm được những “cái khó” của Hội Nông dân tỉnh và những vấn đề nào cần được các bộ môn chuyên môn của Trường (khoa nông nghiệp) sẽ tập trung nhân lực hỗ trợ trước cho Tỉnh Hội, những dự án, mục tiêu nào khi được lãnh đạo 2 đơn vị đồng ý triển khai thực hiện thì sẽ được Trường Đại học nghiên cứu, mời gọi các cơ quan chuyên môn tiếp tục đầu tư triển khai thực hiện, những vấn đề nào mà thực lực của Trường Đại học có đủ sức hỗ trợ thì sẽ tiến hành ngay, cụ thể như việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, Công nghệ thông tin…cho nông dân. Riêng về hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Trường Đại học sẽ khảo sát lại tổng quan diện tích cơ sở vật chất hiện có và nhu cầu hoạt động của Trung tâm trong tương lai như: Là nơi thực nghiệm, nghiên cứu đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân; thực hành các mô hình sản xuất trong nhà màng; kỹ thuật ươm cây, con giống chất lượng; thực hiện hướng dẫn nông dân cải tiến quy trình sản xuất nâng cao hiệu quả. Qua đó, Trường Đại học sẽ tạo mối quan hệ thêm một số đối tác, tìm thêm nhiều dự án để khai thác hết công năng hoạt động của Trung tâm và xem đây cũng là một nhiệm vụ của Trường Đại học nhằm mục đích “phụng sự” tốt nhất cho giai cấp nông dân tỉnh Bạc Liêu, có đủ điều kiện và năng lực vươn lên phát triển, đủ sức sánh vai cùng các tỉnh bạn trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Với quyết tâm cao của lãnh đạo 2 đơn vị, tin tưởng rằng trong một thời gian sớm nhất, hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện phương châm kết nối giữa 4 Nhà đó là: ” Nhà Nông, Nhà khoa học, Nhà thương mại và Nhà nước” và thông qua các phong trào của Hội Nông dân các cấp, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân sẽ có nhiều mặt được nâng lên, cuộc sống sẽ vươn đến mục tiêu ấm no, hạnh phúc trên bước đường xây dựng nông thôn mới./.

Lãnh đạo 2 đơn vị chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Ngô Minh