Quang cảnh buổi hội nghị tổng kết mô hình
Theo báo cáo của Ban Kinh tế HND tỉnh, trong năm 2017, Công ty đã cung ứng lúa giống và phân bón Bình Điền (đầu Trâu) cho 15 thành viên của 5 HTX nêu trên ứng dụng vào sản xuất trên diện tích 10ha, theo hình thức thanh toán sau khi thu hoạch. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, Công ty phân công cán bộ hướng dẫn nông dân quy trình kỹ thuật canh tác lúa thông minh, nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu đã và đang có những ảnh hưỡng đến sản xuất của nông dân. Các loại giống được công ty cung cấp gồm: Lúa Đài Thơm, Nàng Hoa 9, OM 5451 được nông dân đưa vào sản xuất rất thích nghi với vùng đất của địa phương và đặc biệt là được bón phân Bình Điền (đầu trâu), các giống lúa phát triển khá tốt. Kết quả, trên diện tích 10 ha thử nghiệm đều cho năng suất khá cao, bình quân từ 7,1 – 8 tấn/ha (35,5 – 40 giạ/1 công), sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ 2- 2,2 triệu đồng/1 công ( 20 – 22 triệu đồng/ha). So sánh với những mãnh ruộng đối chứng sử dụng các loại phân bón khác thì năng suất, chất lượng và thu nhập đều tăng hơn. Đây là vấn đề các hộ nông dân tham gia điểm trình diễn đều có nhận xét chung là rất tốt, cần nhân rộng điển hình.
Phát biểu thảo luận, một số ý kiến đề xuất tuy sử dụng phân bón Bình Điền cho năng suất cao, nhưng chi phí đầu tư cũng tương đối cao vì giá cả phân bón Bình Điền có phần cao hơn các loại phân bón khác, đề nghị phía Công ty nên có chính sách ưu đãi về giá phân bón để không ảnh hưỡng đến thu nhập của nông dân. Bên cạnh, Công ty cần cung ứng thêm các loại thuốc Bảo vệ thực vật theo hình thức trã chậm, nhằm giúp nông dân có điều kiện canh tác vì thực tế nông dân còn thiếu vốn sản xuất. Đặc biệt là Công ty cần liên kết tiêu thụ sản lượng lúa nông dân làm ra, vì thực tế khâu tiêu thụ còn chậm trong khi nông dân đồng loạt thu hoạch thì nông dân chậm bán được lúa.
Tiếp thu những ý kiến của nông dân, ông Nguyễn Thanh Danh, cán bộ kỹ thuật của Công ty Bình Điền cho biết: Do điều kiện vận chuyển quá xa, khi phân bón đưa đến tay người nông dân phải đội thêm phần phí vận chuyển nên giá cả có phần hơi cao, nhưng nhìn chung với chất lượng và kết quả sản xuất đã cho chúng ta thấy khi sử dụng phân bón Bình Điền (đầu trâu), sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn khi sử dụng các loại phân bón khác. Nếu nông dân đăng ký mua với số lượng nhiều tại các đại lý ở tỉnh Sóc Trăng với phương thức thanh toán bằng tiền mặt thì sẽ được giao hàng tận nơi với giá cả hợp lý hơn thì sẽ giảm được chi phí đầu tư “đầu vào” và sẽ không ảnh hưởng đến thu nhập. Hiện nay, do thực hiện cơ chế kinh tế cổ phần hóa nên Công ty chưa đủ điều kiện về nhân lực cũng như tài chính, nên chưa thể mở rộng mô hình ứng trước vật tư cho nông dân như đang thực hiện tại 5 HTX hiện nay. Tuy nhiên, trong kế hoạch hoạt động tới đây, ông sẽ tham mưu với công ty cần phải có phương hướng, chính sách hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế của nông dân tỉnh Bạc Liêu như đã yêu cầu.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Quách Thị Thêu, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh thống nhất với những đánh giá của đại diện các HTX và đồng chí cũng mong rằng, với những kết quả đã đạt được, đề nghị lãnh đạo Công ty Bình Điền nên nghiên cứu và có những chính sách hỗ trợ cho nông dân Bạc Liêu dễ dàng tiếp cận được những sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng tốt hơn, với phương thức và giá cả hợp lý, nhằm giúp cho nông dân vượt khó vươn lên, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trên bước đường xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu, trong giai đoạn hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới.
Ngô Minh