Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu tại Trung tâm hỗ trợ và giáo dục nông dân trực thuộc tỉnh Hội Bạc Liêu, Ban Kinh tế xã hội, Dân số - Gia đình trực thuộc Trung ương HNDVN và Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành khai mạc buổi truyền thông về công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới cho 180 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân trong xã Long Thạnh.

Quang cảnh buổi tuyên truyền tại xã Long Thạnh
Đến dự và trực tiếp báo cáo những nội dung về công tác bình đẳng giới, và phòng, chống bạo lực gia đình có đồng chí Phạm Thu Hương, phó trưởng ban KTXH, DÂN SỐ GIA ĐÌNH trực thuộc Trung ương HNDVN.
Các đại biểu đã được nghe báo cáo viên Phạm Thu Hương trình bày những kiến thức cơ bản về giới và những vấn đề liên quan, nhất là vấn đề về định kiến giới và việc phân biệt đối xử về giới trong xã hội Việt Nam ngày nay, thực tế ở đâu đó vẫn còn tồn tại tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” rất nặng nề. Cụ thể như trong một gia đình nào đó, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì người con gái thường bị bắt buộc phải nghĩ học. Trong các cơ quan, doanh nghiệp, khi tuyển chọn lao động nữ thường có thêm những quy định khó khăn hơn nam giới…Đây xuất phát từ việc triển khai tuyên truyền Luật bình đẳng giới chưa được coi trọng. Vì thế, với vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, hội viên nông dân, chúng ta cần thay đổi tư duy, nghiêm túc thực hiện Luật bình đẳng giới, khẳng đỉnh rằng, trong cuộc sống xã hội ngày nay, Nam và Nữ đều có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và được thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Bên cạnh, đồng chí Phạm Thu Hương cũng thông tin chung về vấn đề bạo lực gia đình đã xảy ra tại một số địa phương không những ở nông thôn mà ở cả khu vực thành thị hiện nay, đối tượng vi phạm không chỉ có ở những người có trình độ văn hóa thấp mà cả đến thành phần trí thức, khoa học, người có địa vị cao trong xã hội cũng vi phạm Luật một cách tinh vi, độc ác hơn. Từ đó, giúp các học viên nhận thức rõ hơn về những hành vi được xem là bạo lực gia đình, vi phạm Luật phòng, chống bạo lực gia đình của nước ta năm 2007. Đồng chí Hương cho biết: Theo Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc năm 1993, hành vi bạo lực đối với người phụ nữ được định nghĩa là bất kỳ hành động nào gây ra hoặc có thể gây ra hậu quả làm tổn hại hoặc gây đau khổ cho người phụ nữ về thân thể, tâm lý hay tình dục, kể cả những lời đe dọa hay độc đoán tước quyền tự do dù xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuốc sống riêng tư… Qua đó, báo cáo viên đã nêu ra một số trường hợp bạo lực gia đình trong cuộc sống thể hiện trên các hành vi như bạo hành về thể chất, tinh thần, bạo lực kinh tế, tình dục … được xem là đã vi phạm Luật phòng, chống bạo lực gia đình cần phải được xử lý theo pháp luật.

Qua phân tích, lý giải những vấn đề vi phạm Luật phòng, chống bạo lực gia đình, giúp các học viên hiểu rõ thêm vấn nạn xã hội nầy và từ đó xóa bỏ những ngộ nhận trước đây có người cho rằng bạo lực gia đình chủ yếu chỉ là sự đánh đập đơn thuần và bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư của các cặp vợ chồng, của từng gia đình mà xã hội không cần can thiệp. Thậm chí, có người còn ngộ nhận rằng vấn đề người phụ nữ bị bạo lực chính là do lỗi của họ và không nghĩ tới rằng bạo lực gia đình có thế xảy ra đối với bất kỳ thành viên nào trong gia đình, kể cả người già, trẻ em và nam giới và do đó Luật pháp cần phải nghiêm trị để bảo vệ trật tự xã hội.
Qua buổi truyền thông, đa số đại biểu đều nhận thức rõ về vấn đề bình đẳng giới và những hành vi được xem là bạo lực gia đình cần phải được xã hội lên án mạnh mẻ và nhất trí cùng nhau thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật phòng, chống bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư xóm ấp, và đặc biệt là cùng nhau mạnh dạn đấu tranh, phê phán những cá nhân có những hành vi vi phạm đến Luật bình đẳng giới và lên án, tố giác những đối tượng có những hành động bạo lực gia đình, bảo vệ những người yếu thế, nhằm góp phần xây dựng môi trường dân cư ổn định, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Ngô Minh