Hiện nay nông dân vùng chuyển đổi huyện Hồng Dân đang bước vào sản xuất tôm nuôi vụ 1 vụ mùa 2020. Nhìn chung, năm nay nước mặn về sớm hơn mọi năm nên việc sản xuất của bà con nông dân gặp nhiều thuận lợi, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Anh Từ Văn Xiêm ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Lộc cho biết, tranh thủ được nguồn nước mặn ở những ngày giáp Tết Nguyên Đán, anh đã cải tạo ao dèo, thả tôm giống đến nay được hơn 20 ngày tuổi, tôm phát triển tốt. Theo anh Xiêm nhờ nước mặn đảm bảo nên việc thả tôm của gia đình gặp nhiều thuận lợi, đạt tỷ lệ khá cao. Vụ mùa này gia đình anh canh tác hơn 20 công, diện tích này đang được anh gia cố bờ bao, cải tạo nguồn nước, dự kiến vài ngày nữa tôm từ ao dèo sẽ được chuyển ra, với cách làm này giúp anh quản lý được đầu con và chăm sóc được dễ dàng hơn.
Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, đến thời điểm này hầu hết cát tuyến kênh trên địa bàn huyện điều có nước mặn, những tuyến kênh có độ mặn thấp cũng từ 4 đến 5 phần ngàn, đây là điều kiện thuận lợi để nông dân thả giống.
Anh Nguyễn Bảo Tú ở ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân chia sẻ: nước mặn về sớm thì việc ương tôm trong ao dèo sẽ đạt tỷ lệ cao, ít bị ảnh hưởng khi mùa mưa tới.
Để việc sản xuất tôm năm 2020 của huyện đạt được năng suất và chất lượng cao, huyện Hồng Dân đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc nuôi tôm. Đặc biệt, theo dự báo của ngành chuyên môn năm nay tình trạng hạn, mặn diễn ra khốc liệt, có khả năng ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của nông dân. Do vậy, huyện cũng đã xây dựng phương án ứng phó với tình trạng này.
Ông Nguyễn Văn Thới – Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thực hiện theo kịch bản của UBND tỉnh, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và đã triển khai xong. Theo ông hạn mặn thì nước mặn sẽ xâm nhập sâu, đặc cống âu thuyền Ninh Quới đã đi vào vận hành, thì điều tiết nước mặn phụ vụ cho vùng chuyển đổi sẽ không còn chậm như trước đây nữa. Tuy nhiên, nếu nước mặn quá cao thì nuôi tôm hiệu quả cũng không cao, do đó huyện đã có giải pháp là sẽ điều tiết nước ngọt trong vùng tam giác lớn Ninh Quới để pha loãng vào vùng chuyển đổi, để độ mặn phù hợp để nuôi tôm và nếu làm được vấn đề này thì năng suất tôm sẽ cao hơn những năm trước đây.
Theo kế hoạch năm 2020, toàn huyện Hồng Dân có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là hơn 25.600ha, trong đó diện tích canh tác tôm – lúa là hơn 23.600ha, diện tích chuyên tôm là 1.400ha. Phấn đấu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản là 44.000 tấn, trong đó sản lượng tôm là 12.200 tấn./.
T/h: Minh Toàn