
Trạm bơm của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đại Thắng
Đến tham quan Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đại Thắng, ấp Tường Thắng A, xã Vĩnh Thanh ở đầu vụ sản xuất vụ lúa hè thu năm nay, trên cánh đồng rộng lớn, các xã viên của Hợp tác xã đang tất bật cho việc cải tạo đất, vệ sinh đồng rộng để xuống giống lúa hè thu theo khung lịch thời vụ sản xuất của ngành nông nghiệp khuyến cáo. Năm 2013, sau khi được huyện đầu tư xây dựng trạm bơm, với công suất hoạt động hơn 1.000 m3 nước/giờ, chủ yếu là cấp nước vào đồng ruộng, lúc đầu hoạt động do chưa thấy lợi ích thiết thực nên ít hộ nông dân tham gia. Đến nay, Hợp tác xã đã thu hút trên 50 xã viên tham gia với tổng diện tích đất sản xuất trên 50 ha. Hợp tác xã hoạt động trên cơ sở đảm bảo tính tự nguyện, tự chủ, tự quản và mang tính tập thể. Sau mỗi mùa vụ sản xuất, Ban chủ nhiệm tổ chức tổng họp báo cáo tình hình hoạt động, trong đó có việc báo cáo hoạch toán đóng góp và chi phí hoạt động, nhằm phát huy tính dân chủ, tạo sự gắn kết để các xã viên an tâm phát triển sản xuất, duy trì tốt mô hình Hợp tác xã trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Theo Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đại Thắng, ấp Tường Thắng A cho biết, khi chưa thành lập Tổ hợp tác rồi tiến tới Hợp tác xã, việc sản xuất của nông dân chi phí đầu tư cao, lợi nhuận thấp, hầu hết nông dân sản xuất theo “ kiểu” tự ruộng ai nấy làm, sản xuất không theo quy trình kỹ thuật, không xuống giống đồng loạt, không theo bộ giống nhất định theo nhu cầu thị trường tiêu thụ nên trong quá trình sản xuất không những tốn kém nhiều chi phí cho việc bơm, tát, phòng trừ dịch bệnh gây hại, khi thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn về hợp đồng máy gặt đập liên hợp và đầu ra nông sản. Từ khi tham gia vào Hợp tác xã, nhiều xã viên cảm thấy rất an tâm. Được biết, mỗi xã viên mỗi vụ sản xuất chỉ đóng góp chi phí tiền bơm nước cho Hợp tác xã khoảng 120.000đ. Anh Lê Văn Tính, xã viên tổ hợp tác tưới tiêu ấp Tường Thắng A, phấn khởi với vụ lúa đông xuân vừa mới thu hoạch xong, nhờ tham gia vào Hợp tác xã, việc sản xuất gặp rất nhiều thuận lợi. Sản xuất đồng loạt chỉ 1 thứ giống trên một cánh đồng lớn, sâu bệnh có xuất hiện thì phát động phun thuốc phòng trừ đồng loạt nên mức độ gây hại không đáng kể, đến cuối vụ lúa chín thu hoạch đồng loạt và có đơn vị hợp đồng bao tiêu giá cả hợp lý nên rất thuận lợi. Trong quá trình sản xuất bà con xã viên trong Hợp tác xã không còn lo chuyện “ thức khuya, dậy sớm” để “canh nước” trên đồng ruộng vì Ban chủ nhiệm Hợp tác xã có phân công thành viên thường xuyên kiểm tra việc nước trên các cánh đồng của các xã viên. Nhờ đó mà các xã viên trong Hợp tác xã có khoảng thời gian trống để lo cho chuyện làm ăn khác nhằm phát triển kinh tế gia đình”.
Từ những lợi ích và hiệu quả thiết thực của mô hình Hợp tác xã, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đại Thắng, ấp Tường Thắng A, xã Vĩnh Thanh đang dần hướng tới mục tiêu hình thành hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Đây là mô hình được tỉnh và huyện chọn làm điểm chỉ đạo rút kinh nghiệm, nhân rộng hiệu quả trong thời gian tới, với mục tiêu giúp nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt trên thị trường, tăng lợi nhuận, thông qua liên kết trong chuỗi giá trị nông sản, nhằm tăng cường sức mạnh tập thể, cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao tinh thần hợp tác sản xuất cộng đồng theo hướng cánh đồng lớn, tạo ra lượng nông sản lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng thời, việc chọn thí điểm mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới cũng nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 445/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016- 2020; Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phước Long về đẩy mạnh phát triển kinh tế đến năm 2020.
Quốc Vũ