Trên cơ sở Đề án số 966-ĐA/HNDTW, ngày 31/12/2010 của Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam, về việc “đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 – 2020” và Hướng dẫn số 1080-HD/HNDTW ngày 18/11/2013 về việc hướng dẫn thực hiện một số điểm trong Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu xây dựng Đề án số 03-ĐA/HNDT, ngày 22/4/2014 về“Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2014 – 2020” đồng thời xin chủ trương Tỉnh ủy thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND). Sau khi có chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ra Quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ Nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu; đồng thời ra quyết định thành lập Ban điều hành Quỹ; Ban chỉ đạo và Ban kiểm soát Quỹ đúng theo hướng dẫn của Trung ương Hội.
 |
Buổi giải ngân cho dự án "nuôi heo" tại phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai |
Trong quá trình hoạt động, các cấp Hội đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, Chính quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án “đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 – 2020” của Trung ương Hội; Điển hình một số văn bản quan trọng như: Công văn số 449-CV/TU ngày 21/4/2014 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về việc tăng cường thực hiện Kết luận 61-KL/TW của ban Bí thư và Quyết định số: 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh có các Công văn số 2009/UBND-KT, ngày 31/05/2013 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ; và Công văn số:1884/UBND-QHKHTH, ngày 11/06/2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc chấp thuận đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân” chỉ đạo các sở, ngành có liên quan với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm trong việc triển khai, thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đảm bảo cho việc điều hành, chỉ đạo hoạt động một cách có hiệu quả.
Hiện nay từ tỉnh đến cơ sở Hội đều đã thành lập được Ban vận động Quỹ hỗ trợ nông dân. Trưởng Ban vận động do đồng chí Trưởng Ban dân vận cùng cấp làm trưởng ban chỉ đạo. 7/7 huyện, thị xã, thành phố đều đã thành lập Ban điều hành Quỹ .
2- Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ quản lý, điều hành hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, huyện
a/- Bộ máy cấp tỉnh:
Ban điều hành QHTND có 04 đồng chí: 01 Trưởng Ban (chuyên trách); 01 kế toán; 01 chuyên viên và 01 thủ quỹ (kiêm nhiệm); có con dấu và tài khoản, quy chế hoạt động riêng. Ban kiểm soát có 03 đồng chí, do đồng chí Phó Chủ tịch làm Trưởng Ban.
b/- Bộ máy cấp huyện:
Ban điều hành quỹ gồm 3 đồng chí đều là kiêm nhiệm; có con dấu và tài khoản riêng .
3- Kết quả thực hiện
- Đối với nguồn trung ương
Hiện nay, nguồn vốn Trung ương đầu tư được 22 dự án với tổng số tiền là 7.990.000.000 đồng (Bảy tỷ chín trăm chín chục triệu đồng) có 311 hộ tham gia, giải quyết được 803 lao động tại chỗ chủ yếu tập chung vào các mô hình chăn nuôi như: heo, bò, dê, cá, sò huyết và cây ăn trái….Tổng số lượt dự án quay vòng 43 dự án với tổng số tiền là 15.920.000.000 đồng có 684 hộ tham gia, giải quyết được 1.145 lao động.
- Đối với nguồn của tỉnh
Tổng số nguồn vốn của tỉnh hiện nay là 2.410.000.000 đồng(trong đó Ngân sách tỉnh phân bổ là 2.000.000.000đ; tỉnh vận động trong cán bộ hội và các doanh nghiệp 410.000.000đ) và đã giải ngân được 8 dự án với tổng số tiền là 2.410.000.000 đồng có 108 hộ tham gia giải quyết được 253 lao động. Quay vòng được 2 dự án với tổng số tiền là 550.000.000 đồng có 35 hộ tham gia, giải quyết được 101 lao động. Riêng nguồn vốn do Ban vận động quỹ của tỉnh vận động được 410.000.000đ đã đầu tư 02 dự án. 01 dự án nuôi Dê ở xã Vĩnh Trạch Đông và Phường Nhà Mát, có 14 hộ vay, với số tiền 300.000.000đ; 01 dự án nuôi Heo thịt ở xã Hưng Phú, có 11 hộ vay, với số tiền 110.000.000đ.
- Đối với nguồn của huyện
Tổng số nguồn vốn của cấp huyện quản lý là 1.821.000.000 đồng đầu tư 21 dự án trong đó ngân sách cấp 1.525.000.000 đồng và nguồn vận động trong hội viên nông dân là 296.000.000 đồng, có 179 hộ tham gia dự án, giải quyết 358 lao động tại địa phương.
4. Nhận xét đánh giá chung :
- Có thể nói, Quỹ Hỗ trợ nông dân có tác động tích cực đến tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua các dự án, nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, cách làm hay của nông dân trong sản xuất được nhân rộng, từ đó thu hút ngày càng đông nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Nguồn vốn vay đã phát huy được hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện kịp thời cho hội viên nông dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, có việc làm tại chỗ, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
- Hiệu quả về kinh tế: Quỹ Hỗ trợ nông dân đã mang lại hiệu quả trong việc nhân rộng các mô hình để người nông dân làm theo, điển hình như dự án nuôi Sò huyết ở xã An Phúc, huyện Đông Hải; Nuôi Dê ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình; Nuôi Bò ở xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai…lúc đầu chỉ có 01 ấp nuôi thử nghiệm từ dự án do Quỹ đầu tư đến nay nhân rộng ra toàn xã và vùng lân cận. Thông qua các dự án Hội thành lập được 49 tổ hợp tác sản xuất, nông dân từ làm ăn nhỏ lẻ, thì nay biết liên kết lại trong sản xuất, sản phẩm làm ra có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho thị trường, nhất là mặt hàng Dê thịt cung ứng cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Hiệu quả kinh tế từ các dự án mang lại cho các hộ thu nhập bình quân tăng từ 20 đến 30 triệu đồng/hộ/năm.
- Hiệu quả về xã hội: Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tạo việc làm cho 2.117 lao động ở nông thôn; thông qua dự án và hiệu quả từ dự án mang lại đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mà trước đây nông dân làm chưa hiệu quả cao như: Nuôi Sò huyết trong ao tôm, nuôi Dê trên bờ vuông, nuôi Trâu, Bò ở các vườn tạp…Vị thế của Hội ngày càng được nâng lên, thu hút ngày càng đông nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
- Hiệu quả khác: Quỹ HTND giải quyết được phần đông số lao động nông thôn, thanh niên có việc làm giải quyết được thời gian nhàn rỗi ở nông thôn, nên ít tham gia vào các tệ nạn xã hội; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn luôn ổn định. Thông qua các dự án đã giúp cho 1.604 hộ thoát nghèo bền vững.
Minh Trung