
Anh Phạm Thanh Phương giới thiệu về vườn Táo của gia đình
Qua lời giới thiệu của anh Đào Văn Dĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Lợi, chúng tôi tìm đến tham quan vườn Táo của anh Phạm Thanh Phương, ngụ tại ấp Thông Lưu B, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Quá bất ngờ trước khung cảnh đồng ruộng xung quanh với một màu xanh của lúa, nổi bật lên một khu vườn được bao kín chung quanh bằng lưới và bên trong là cả một vườn Táo xen lẫn các hàng bông súng đang trổ hoa dưới các mương thủy lợi đầy nước và tiếng cá quẩy đuôi đớp mồi đầy thú vị.
Tiếp chúng tôi trong vườn Táo, Phạm Thanh Phương, chủ nhân vườn Táo cho biết: Nghề làm vườn của gia đình đã có từ trước đây và vườn Táo này anh đã xây dựng gần 5 năm nay rồi. Nhưng trước đây, do trồng theo kinh nghiệm nên hiệu quả không cao lắm và thường bị sâu rầy tấn công nên có năm thất bại không thu được gì. Sau khi nghiên cứu các tài liệu sách báo và tìm hiểu trên mạng Internet, anh tâm đắc với mô hình trồng Táo trong nhà lưới và được sự thống nhất của gia đình, anh bắt tay vào xây dựng khu vườn Táo được trồng trên diện tích gần 4.000 mét vuông, anh tìm mua giống Táo Hồng – Đài Loan và gieo trồng được 350 gốc Táo. Xung quanh diện tích trồng Táo được anh cho bao kín bằng lưới nilon bằng khung sắt chắc chắn, với kinh phí gần 200 triệu đồng. Sau một năm chăm sóc, cây Táo Hồng đã cho thu hoạch và vụ đầu tiên, mỗi gốc Táo thu hoạch được từ 30 – 40 ký, với giá bán từ 20.000 – 25.000 đồng/ký, sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu, đã mang lại cho anh một số thu nhập tương đối khá. Và hiện nay, khi đến mùa thu hoạch, bình quân mỗi gốc Táo, anh thu được từ 40 – 50 ký và được thương lái các nơi tìm đến tận vườn thu mua với giá 30.000 đồng/ký.
Được hỏi về kỷ thuật trồng cây Táo Hồng Đài Loan, anh nhiệt tình cho biết:Thời vụ trồng Táo tốt nhất là cuối mùa mưa, nên trồng tháng 11-12 vì lúc này trời ấm, sang mùa xuân năm sau cây phát triển nhanh. Trồng vào đầu mùa xuân cũng tốt. Trồng theo hàng hoặc theo ô vuông, khoảng cách cây 4-5m. Để tiết kiệm đất có thể trồng dày hơn, nhưng khi cây Táo lớn thì nên đốn bỏ bớt.
Trước khi trồng, chúng ta phải bón lót cho mỗi hố 20-30kg phân hữu cơ đã hoai, có thể trộn thêm 1kg vôi và 0,5kg super lân. Đào hố và bón phân lót trước khi trồng 20-30 ngày, trồng cây trong bầu để có tỷ lệ sống cao. Sau khi trồng tủ gốc bằng rơm rạ, cỏ rác để giữ ẩm và chú ý tưới nước đều. Hàng tuần theo dõi ngắt bỏ các mầm mọc từ gốc ghép. Cây Táo rất cần nước, nhất là khi quả đang phát triển, nếu không đủ nước quả sẽ nhỏ và chát. Trồng Táo phải đốn để cho cây trẻ lại mới có năng suất và chất lượng tốt. Có hai cách đốn là đốn phớt và đốn đau: Đốn phớt là cách làm hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch. Đó là chúng ta sẽ cắt các cành đã cho quả, chỉ để lại 1 đoạn 20-30cm. Trên đầu cành này sẽ cho nhiều cành nhỏ, có thể tỉa bớt chỉ để vài cành phân bố đều trên tán cây. Đốn đau là nhằm mục đích tạo tán từ khi cây còn nhỏ (trên một năm tuổi đến khi lớn). Cắt cụt hết các loại cành, chỉ để lại một đoạn gốc của vài cành lớn đã ra trong năm trước, cây sẽ cho nhiều cành mới trẻ hơn, cho năng suất và chất lượng quả tốt hơn.
Sau khi trồng được từ 20-30 ngày, có thể tưới nước phân pha loãng, mỗi tuần tưới 1 lần trong 1-2 tháng đầu. Sau đó định kỳ bón thúc 1 lần bằng phân hỗn hợp NPK và các loại phân bón lá bổ sung khác. Lượng phân NPK Sitto Phat 16-16-8-15SiO2+TE bón mỗi lần từ 0,2-1,5kg/gốc tuỳ cây nhỏ hoặc lớn. Dùng cuốc xới đất xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây sâu 5-10cm, rải phân, lấp đất rồi tưới nước. Hàng năm, nhà vườn phải bón thêm phân hữu cơ và bồi đất vào gốc. Nếu thời tiết năm nào bị hạn nhiều thì phải tưới nước để quả lớn nhanh không bị rụng. Nếu cây bị cằn (sinh trưởng phát triển kém) ta phải bón bổ sung thêm phân.
Ngoài ra, anh Phương còn cho biết, loại Táo này thường bị các loại sâu bệnh tấn công, và vì thế chúng ta phải biết cách phòng, trị bệnh cho Táo, cụ thể như: Bệnh Rệp sáp phấn (Planococcus lilacinus); Rệp bám từng ổ trên đọt non, mặt dưới lá và chùm hoa, bên ngoài có lớp bột trắng bao phủ. Rệp chích hút nhựa làm lá và chùm hoa xoăn lại, đồng thời có nấm bồ hóng phát triển. Nếu rệp ít thì dùng tay giết, nếu nhiều thì phun các thuốc Fastac, Pyrinex, Supracide, Polytrin…
- Bệnh do Sâu cuốn lá (Archips micaceana) phá hoại: Sâu non nhả tơ cuốn một hoặc vài lá thành tổ, nằm trong đó ăn lá. Có thể phòng trừ bằng bắt giết hoặc phun các thuốc Pyrinex, Supracide, Polytrin.
- Bệnh do Ruồi đục quả (Bactrocera dorsalis): Dòi đục trong quả làm quả bị hư thối. Một quả táo thường có nhiều con dòi ăn phá. Phòng trừ bằng các biện pháp không để quả chín lâu trên cây, thu nhặt tiêu huỷ các quả rụng. Khi ruồi trưởng thành phát sinh dùng thuốc dẫn dụ Metyleugenol (Vizubon-D). Có thể tự làm bẫy bã ruồi bằng dùng một miếng quả chín (cam, quít, dứa, táo), có tẩm thuốc sâu rồi đặt lên cây. Khi quả đã già sắp chín phun ngừa bằng các thuốc Trigard, Fastac. Biện pháp bao quả có tác dụng tốt
hạn chế ruồi và sâu đục quả.
- Bệnh phấn trắng (do nấm Oidium sp): Vết bệnh lúc đầu có màu trắng xám ở mặt dưới lá, sau tạo thành những vết cháy khô, phiến lá cuốn lại, cứng, đọt non chùn lại và khô chết. Hoa cũng bị xoắn và khô cháy, quả nhỏ và bị nứt khi chín. Đây là bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất đối với cây táo. Phòng trừ bằng cắt bỏ tiêu huỷ bộ phận bị bệnh, phun các thuốc gốc đồng, lưu huỳnh, Anvil, Rovral, Topsin-M.
- Bệnh ghẻ (do nấm Venturia inaequalis): Trên lá đốm bệnh tròn, màu xám xanh, hơi gồ lên. Trên quả vết bệnh màu nâu đen, gồ lên như nốt ghẻ và nứt, quả méo mó và rụng sớm. Phòng trừ bằng các thuốc gốc đồng, hỗn hợp lưu huỳnh + vôi, Zineb, Carbenzim, Rovral.Ngoài ra còn có các loại sâu bệnh khác như: bọ cánh cứng ăn lá, sâu ăn hoa, sâu đục quả, bệnh khô cành, bệnh thối quả, bệnh sùi gốc do vi khuẩn.
Anh Phương chia sẻ thêm: Nhờ áp dụng công nghệ trồng Táo trong nhà lưới, đã tránh được các loại sâu bệnh kể trên và hiệu quả kinh tế sẽ được nâng lên và cũng nhờ vào việc sản xuất nông nghiệp từ 13 công đất trồng lúa, mỗi năm làm 2 vụ và việc khai thác hiệu quả kinh tế từ vườn Táo, anh đã có điều kiện đầu tư cho con ăn học thành người và hiện nay đã có một cháu chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, sau nầy sẻ nối nghiệp anh khai thác những tiềm năng về đất đai nông nghiệp ở địa phương và nguyện vọng của con anh là sẻ trở về phục vụ quê hương Vĩnh Lợi, mang những kiến thức đã học tập được giúp đở cho nông dân, biết cách làm giàu từ vườn rau, ao cá và mãnh ruộng của ông cha để lại, góp phần kiến tạo, xây dựng quê hương Châu Hưng ngày càng thêm ấm no, hạnh phúc.
Đồng chí Đào Văn Dĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, sẽ tạo điều kiện cho nông dân các nơi trong huyện đến đay tham quan, tìm hiểu học tập kinh nghiệm và nơi nào có đủ điều kiện, Hội sẽ tranh thủ hướng dẫn nông dân lập dự án, xin vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư thực hiện nhân rộng mô hình, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn và giúp nông dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống/.
Ngô Minh