Xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, là một xã vùng sâu của tỉnh Bạc Liêu, với diện tích tự nhiên là 4.822 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp là 3.900 ha. Người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp là chính. Sau khi thẩm định toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc tiểu vùng mặn – lợ, phù hợp với mô hình nuôi trồng thủy sản, Huyện ủy - UBND huyện thống nhất cho nông dân được chuyển đổi sang hình thức sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm (gọi tắt tôm - lúa).

Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã xác định mô hình này là hướng phát triển trọng tâm trong thời gian tới và cũng phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế sản xuất và tập quán sản xuất ở đây. Chính vì vậy, mô hình tôm – lúa sẽ là đối tượng sản xuất chủ lực ở đây trong thời gian tới. Tỉnh Bạc Liêu hiện nay cũng đã xác định nông nghiệp là một trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, mô hình sản xuất tôm - lúa tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cũng là loại hình sản xuất được tỉnh ưu tiên đẩy mạnh phát triển; bởi, đây là hình thức sản xuất giải quyết được bài toán có thể sản xuất bằng cả nguồn nước ngọt vào mùa mưa và nguồn lợ vào mùa khô, tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, giảm rủi ro, giảm chi phí sản xuất do hai đối tượng sản xuất này có thể bổ trợ cho nhau, đây là mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm và có thể hình thành chuỗi sản xuất có sản lượng lớn, giá trị cao.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu nhận thấy việc xây dựng Mô hình nuôi tôm sú nhằm hỗ trợ thúc đẩy hình thành các Hợp Tác xã, Tổ Hợp tác phát triển sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu là một nhu cầu hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất đối với mô hình sản xuất tôm - lúa, thúc đẩy phát triển hình thức kinh tế tập thể tại địa phương; tạo động lực thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị tôm - lúa theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hữu cơ, sinh thái…; tạo sự lan tỏa, nhân rộng phương thức làm ăn tập thể trên địa bàn huyện, góp phần giúp nông dân vươn lên cuộc sống khá, giàu bền vững.
Trong quá trình triển khai dự án, Ban Kinh tế - Trung ương Hội; Ban Kinh tế - xã hội Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, chính quyền địa phương các doanh nghiệp và Hội Nông dân huyện Hồng Dân, thống nhất nội dung, quy mô, diện tích của từng đơn vị phù hợp với từng vùng sinh thái trên cơ sở thuyết minh dự án đã được phê duyệt, từ đó lựa chọn địa điểm, đối tượng tham gia dự án, tuyên truyền và xây dựng mô hình trình diễn, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án.
Qua đó, trong năm 2019, Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn nông dân tại ấp Nhụy Cầm, xã Vĩnh Lộc, xây dựng 01 Hợp tác xã tôm – lúa Chiến Thắng có quy mô 100 ha và 26 thành viên tham gia, chuyên về nuôi tôm càng xanh kết hợp với tôm xú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh cải tiến. Để hỗ trợ cho nông dân thực hiện dự án, Hội Nông dân tỉnh phối hợp ngành chức năng tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi tôm sú cho 26 thành viên Hợp tác xã và 01 lớp đào tạo cho 30 học viên là cán bộ Hội Nông dân các cấp; cán bộ chi Hội, tổ Hội Nông dân; Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và thành viên Hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu do Ban Kinh tế Trung ương Hội thực hiện, với mục tiêu phải đạt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của dự án, đảm bảo năng suất tăng tối thiểu 10% (>0,5 tấn/ha); hiệu quả tăng trên 15% so với ngoài mô hình; tỷ lệ sống đạt trên 30% ; kích cỡ thu hoạch khoảng 30kg/con; góp phần giúp Hợp tác xã thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị. Kinh phí thực hiện dự án là: 2.963.410.000 đồng, trong đó: Nguồn NSNN hỗ trợ: 391.210.000 đồng, nguồn kinh phí đối ứng: 2.572.200.000 đồng.

Đoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình HTX Chiến Thắng
Ban Kinh tế - Trung ương Hội ký hợp đồng thực hiện công việc phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thành viên tham gia xây dựng mô hình, chính quyền địa phương có trách nhiệm nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện dự án, góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, năng suất cao, ổn định, tham gia thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo bền vững cho một số nông dân trong vùng, góp phần hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái bền vững: hướng dẫn nông dân mạnh dạn áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo cân bằng sinh thái vùng sản xuất tôm - lúa.
Qua thực hiện dự án, các cấp Hội Nông dân sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình, từ đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả tổ chức Hội trong phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là điều kiện để Hội Nông dân xây dựng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở nâng cao kiến thức, tham gia các hoạt động khuyến nông, tạo nguồn cán bộ khuyến nông cho cộng đồng, tạo niềm tin và sự gắn kết của hội viên, nông dân với tổ chức Hội Nông dân cơ sở, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống Hội ngày càng hoàn thiện. góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 -2020”./.
Ngô Minh