Xã Ninh Quới là xã vùng sâu của huyện Hồng Dân; cách trung tâm huyện khoảng 10 km nằm về hướng Đông Nam; Phía Đông giáp với xã Vĩnh Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng; Phía Tây giáp với xã Ninh Hòa; Phía Nam giáp với xã Ninh Quới A; Phía Bắc giáp với xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Với diện tích tự nhiên là 3.300 ha, trong đó diện tích trồng lúa là 2.414 ha, còn lại là diện tích đất phi nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, sông ngồi và diện tích nuôi trồng thủy sản.Để tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác lúa, trong những năm qua xã Ninh Qưới đã áp dụng thành công mô hình ô đê bao khép kín đem lại hiệu quả thiết thực.

Là xã thuần nông, nhân dân xã Ninh Qưới phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính; có hộ kết hợp thêm mua bán vừa và nhỏ; có hộ kết hợp sản xuất nông nghiệp với chăn nuôi. Những năm gần đây nền kinh tế xã nhà có bước phát triển rõ nét, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên (nhất là ở những vụ lúa trúng mùa trúng giá như ở vụ lúa đông xuân).
Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng, thiếu đồng bộ và bền vững, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẽ, rời rạc; nhân dân sản xuất chủ yếu mang tính tự phát, chưa tuân thủ lịch thời vụ theo các ngành chuyên môn khuyến cáo; Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi còn nhiều hạn chế, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích còn thấp, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng được quan tâm đầu tư nạo vét nhưng chỉ đảm bảo cho việc tưới tiêu, chưa đáp ứng yêu cầu cho việc hoàn thành ô đê bao khép kín.
Trước thực trạng trên, được sự quan tâm của huyện, trong hơn 5 năm qua xã Ninh Qưới đã đã nạo vét được hơn 30 tuyến kênh, dài trên 60.000 m, với trên 100.000 m3 đất, phục vụ tưới tiêu cho gần 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó đến nay trên địa bàn xã đã hình thành được 40 ô đê bao khép kín phục vụ cho sản xuất lúa, với diện tích gần 2.000ha, có hơn 2.100 hộ nằm trong ô đê bao. Chi phí thành lập chủ yếu là kinh phí đầu tư nạo vét kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng với số tiền khoảng 1tỷ đồng do nhà nước đầu tư.
Nếu đánh giá so sánh hiệu quả của ô đê bao khép kín thì trước khi hình thành ô đê bao khép kín việc bơm tát gặp rất nhiều khó khăn. Hàng năm vụ Đông Xuân xuống giống trễ so với thời vụ từ 15-30 ngày, xuống giống không đồng loạt bị thiên tai, dịch hại phá hại nặng nề, năng suất đạt không cao (Vụ Đông Xuân xuống giống trễ dẫn đến vụ Xuân Hè trễ theo). Sau khi hình thành được ô đê bao, số diện tích có ô đê bao chủ động được nước, xuống giống đúng lịch thời vụ nên chi phí giảm, năng suất cao bà con được lợi nhuận nhiều. Đến nay xã Ninh Qưới đã vận động nhân dân thành lập được hơn 20 tổ bơm tác tập trung, với diện tích gần 2.000ha, nên chủ động được nước, xuống giống đúng lịch thời vụ, bà con sản xuất chỉ 2-3 loại giống, giảm được chi phí bơm tát, thu hoạch được đồng loạt, việc đưa máy gặp đập liên hợp vào cắt rất thuận lợi và năng suất cũng đạt khá cao. Ông Nguyễn Văn Tuấn, nông dân ở ấp Phú Tân cho biết: “ gia đình ông canh tác hơn 2ha đất, sản xuất 2 vụ lúa/ năm, nhờ áp dụng mô hình ô đê bao khép kín nên trong sản xuất gặp rất nhiều thuận lợi trong việc bơm tác, và xuống giống đồng loạt với những hộ trong ô đê bao theo lịch thời vụ của ngành chuyên môn khuyến cáo. Do đó giảm được chi phí trong việc bơm tác, năng suất lúa luôn đạt cao, trong đó vụ Hè Thu đạt gần 5 tấn/ ha, vụ Đông Xuân đạt hơn 7 tấn/ha.”
Ông Võ Như Ý, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Qưới cho biết:“sản xuất lúa theo mô hình ô đê bao khép kín nông dân chủ động được khâu bơm tát và xuống giống đúng lịch thời vụ của các ngành chuyên môn khuyến cáo; Áp dụng có hiệu quả các biện pháp kỹ thuật từ khâu gieo sạ đến khi thu hoạch.”
Tuy nhiên trong quá trình thành lập mô hình ô đê bao khép kín xã Ninh Qưới còn gặp một số khó khăn nhất định đó là: vướng mắc về sự thỏa thuận giữa các hộ nằm trong đê bao và các hộ nằm xung quanh ô đê bao; Không thành lập được ô đê bao, nên bà con nông dân không chủ động được trong khâu bơm tát, không xuống giống đồng loạt theo đúng lịch thời vụ của các ngành chuyên môn khuyến cáo. Do đó nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng trừ dịch hại trên trà lúa và không chủ động được trong khâu thu hoạch.
Thiết nghĩ để mô hình ô đê bao khép kín duy trì và phát triển không chỉ ở Ninh Qưới mà nhân rộng trên địa bàn huyện, thì ngành chức năng của tỉnh và Huyện ủy, UBND huyện tranh thủ vốn đầu tư cho các xã, thị trấn xây dựng trạm bơm điện ở các ô đê bao hoàn chỉnh, đồng thời tiếp tục nạo vét hệ thống kênh thủy lợi bị bồi lắng để nông dân chủ động bơm tát và tưới tiêu được dễ dàng hơn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.Đồng thời tiến tới nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn./.
Lâm Thái Hiệp