null
Nghề chính mang lại thu nhập cho chị em nông dân ở làng nghề xứ biển Gành Hào
Tin hoạt động
Thứ sáu, 13/05/2022, 21:31
Màu chữ
Cỡ chữ
Nghề chính mang lại thu nhập cho chị em nông dân ở làng nghề xứ biển Gành Hào
Trong chuyến đi công tác nắm bắt tình hình đời sống và sản xuất của nông dân miền duyên hải tại thị trấn Gành hào, thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi đã gặp đồng chí Dương Thanh Nhàn, Chủ tịch HND thị trấn Gành Hào và qua trao đổi thì được biết tại địa phương vừa có đợt công tác chỉ đạo xây dựng, củng cố các loại hình hoạt động mang tính tập thể như: Tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, câu lạc bộ…và qua đây thì phát hiện một mô hình hợp tác của nông dân đã và đang hình thành tự phát và được huyện Hội chỉ đạo Hội Nông dân thị trấn quan tâm hỗ trợ và hướng dẫn các hoạt động từng bước đi vào nề nếp, đạt hiệu quả, làm điểm chỉ đạo để một số khu vực học tập và nhân rộng điển hình toàn thị trấn.
Chị Ngô Thị Thùy (áo sọc), thành viên Tổ hợp tác chế biến khô các loại, tại thị trấn Gành Hào
Đồng chí Dương Thanh Nhàn, Chủ tịch HND thị trấn Gành Hào cho biết: Từ trước đến nay, Nhân dân sống tại ấp 1, thị trấn Gành Hào chuyên sống về các ngành nghề có liên quan đến việc khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản, nam thì làm nghề ngư phủ, đi ghe lưới đánh bắt ven bờ và xa bờ, nữ thì hành nghề vá lưới, mua bán và chế biến hải sản, đặc biệt là nghề chế biến khô các loại tôm, cá…và nghề nầy đã trở thành việc làm chính của chị em và cũng có thể xem đây là nguồn thu nhập cơ bản của gia đình ngư dân ở ấp 1, thị trấn Gành Hào qua nhiều thập niên nay.
Trao đổi với chúng tôi, chị Ngô Thị Thùy, thành viên Tổ hợp tác chế biến khô cho biết: Với vai trò của người phụ nữ trong việc đảm đang trong gia đình và trách nhiệm phải chia sẻ gánh nặng lo toan về tài chính của gia đình cùng với chồng, con. Hằng tháng, sau những chuyến đánh bắt của các ngư phủ trở về cập cảng cá Gành Hào, các chị em trong khu vực ấp 1 cùng rũ nhau mua các loại cá tươi của các ghe đánh bắt thủy sản về chế biến, ướp các loại gia vị phù hợp với từng loại hải sản, ra công xếp cá phơi hàng ngày đến khi đủ độ khô theo chuẩn mực thì thu gom, đóng bao, giao hàng về các địa chỉ đã đặt trước hoặc chờ người đến thu mua, những người đặt khô trước thường ở các tỉnh bạn và thành phố Hồ Chí Minh và số lượng đặt có khi lên đến hàng tấn cá khô các loại hoặc là tôm khô, nhất là dịp cuối năm, sắp đến tết Nguyên đán hoặc các ngày cúng lễ cổ truyền của dân tộc. Giá cả các loại khô thường lên xuống theo mùa nhưng do chị em trong tổ hợp tác định giá bán ra, bảo đảm được lợi nhuận, nên phần nào cũng giúp các chị em an tâm hoạt động.
Tại khu vực ấp 1 chuyên chế biến khô nầy thường có những mặt hàng gần như là đặc sản của xứ Gành Hào đó là các loại cá khô như: khô cá lù đù, khô cá rúng, cá lóc biển, khô cá khoai, cá đuối, cá kèo, cá ngát, cá bông lau, cá sặc bổi, cá dứa, cá thiều, cá cờ, cá hố, cá lưỡi trâu... Ngoài các loại cá khô, người dân nơi đây còn làm các loại tôm khô, mực khô…đây là các mặt hàng rất được người tiêu dùng ưa chuộng ở các tỉnh thành trong nước, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh rất đắt hàng mỗi khi xuân về tết đến.
Cảnh phơi khô của chị em nông dân tại ấp 1, thị trấn Gành Hào
Chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất khô của chị Ngô Thị Thùy, ngụ ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, theo chị cho biết đã cho vào ngăn lạnh bảo quản một số khô các loại được chuẩn bị sẵn. Trong đó, phần lớn là khô mực, khô cá khoai, cá lù đù và tôm khô để chuẩn bị giao hàng cho khách khi có yêu cầu. Theo chị Ngô Thị Thùy cho biết:, khu vực ấp 1, thị trấn Gành Hào từ lâu được xem là làng nghề nổi tiếng làm cá khô với đủ các loại khô và với nhu cầu của thị trường tự do thì mạnh ai người ấy tự lo liệu từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhưng từ khi có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Nông dân thị trấn, ban đầu là việc mời tập hợp một số chị em có chung ngành nghề làm khô và cho ra mắt tổ hợp tác chế biến khô Gành Hào. Qua đó, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và những hoàn cảnh khó khăn, thuận lợi cùng với những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của các thành viên trong tổ và từ đó, hướng dẫn cho tổ hợp tác lập dự án sản xuất, được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh với số tiền là 200 triệu đồng cho 10 thành viên được vay (bình quân mỗi người được vay 20 triệu đồng). Với số vốn được hỗ trợ nầy đã giúp cho các thành viên trong tổ giải quyết những khó khăn tạm thời và chủ động trong khâu thu mua nguyên liệu. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng khó khăn từ đại dịch Covid-19 nên việc mua bán mặt hàng khô các loại có phần giảm sút do kinh tế khó khăn, việc làm không ổn định, người người đều vận động nhau tiết kiệm để lo cho những vấn đề thiết yếu hơn trong cuộc sống, hạn chế tiêu dùng, vì thế mức độ tiêu thụ cá khô có phần hạn chế nhưng chị Thùy cho biết: Quan trọng là các chị em trong tổ hợp tác luôn nhắc nhau là phải luôn giữ được chất lượng và uy tín của sản phẩm cá khô Gành Hào, và mong được Hội Nông dân và các ngành chuyên môn hướng dẫn xây dựng thương hiệu riêng của cơ sở làng nghề nầy, giữ được danh hiệu đặc sản cá khô Gành Hào đối với thị trường các nơi trong nước và được các cấp Hội Nông dân quan tâm xét duyệt đầu tư cho vay vốn sản xuất từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, để từng bước mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của ngư dân thị trấn miền duyên hải Gành Hào./.