Trong chuyển đổi sản xuất, huyện Hồng Dân luôn quan tâm phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả nhưng đồng thời phải đảm bảo tính bền vững cả về nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích và đảm bảo yếu tố môi trường.
Một trong những mô hình đã và đang đáp ứng được yêu cầu đó, phải kể đến là mô hình là nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa, tôm càng xanh xen với cua, tôm sú và một số loài cá có giá trị kinh tế cho nông dân. Và thực tế trong sản xuất cũng cho thấy mấy năm gần đây, diện tích nuôi tôm càng xanh đang tăng lên theo từng mùa vụ.

Huyện Hồng Dân hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 25 ngàn 500 ha. Trong đó, nuôi tôm xen canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế hơn 10 ngàn ha, chủ yếu là tôm càng xanh kết hợp với tôm sú, cá trong ruộng lúa và tôm càng xanh xen canh với tôm sú, cua, cá trong vuông. Mô hình này đã và đang cho hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định. Đặc biệt, những năm gần đây, nông dân thả nuôi tôm càng xanh toàn đực cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách thả nuôi tôm giống ngẫu nhiên.
Theo đánh giá, thì tôm Càng xanh nuôi xen canh năng suất trung bình trên 600kg/ha/vụ, cá biệt có nhiều nông dân ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc, Ninh Thạnh Lợi và Lộc Ninh sản xuất đạt trên 800kg/ha/vụ. Thời gian qua, con tôm càng xanh thương phẩm có đầu ra và giá cả khá ổn định, vì thế đông đảo nông dân rất phấn khởi.
Ông Nông Văn Châu, nông dân ấp Lộ Xe A cho biết kinh nghiệm nuôi tôm Càng xanh xen canh với tôm sú và luôn canh tôm – lúa mang lại hiệu quả trong thời gian qua mà ông đã thực hiện là giành một phần diện tích làm ao lắng. chọn con giống ở những nơi có đảm bảo chất lượng, có hợp đồng thu mua tôm thương phẩm. Khi thả dèo tôm giống từ 45 ngày trở lên mới sang qua vuông lớn thì tôm nuôi mới đạt đầu con.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực được nông dân huyện áp dụng rộng rãi trong khoảng mấy năm trở lại đây. Qua thực tế nuôi và các lần hội thảo tổng kết, đánh giá cho thấy tôm càng xanh toàn đực thích hợp phát triển ở các địa phương thuộc vùng chuyển đổi và vùng sản luân canh, xen canh lúa tôm trong huyện. Trung bình các hộ nuôi tôm càng xanh toàn đực mỗi ha đạt hiệu quả đã cho thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/vụ nuôi. Với những ưu điểm như: Kỹ thuật nuôi đơn giản và nguồn con giống khá dồi dào, nên rất thuận lợi cho nông dân trong quá trình nuôi. Chính vì thế, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn được đang được huyện khuyến khích nông dân nhân rộng áp dụng trong thời gian tới.
Trong 2 năm qua, huyện Hồng Dân tổ chức thực hiện Dự án “ Xây dựng mô hình cộng đồng nuôi tôm càng xanh toàn đực luân canh và xen canh trong ruộng lúa” tại vùng chuyển đổi phía bắc Quốc lộ 1A. Địa điểm được chọn triển khai thực hiện Dự án là ở điện tích hơn 56 ha của 43 hộ nông dân tại hai ấp Xẻo Quao và ấp Trèm Trẹm, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân. Từ tháng 03/2018 đến nay, sau khi đã được tổ chức chuyển giao khoa học – kỹ thuật và ký kết hợp đồng thực hiện quy trình sản xuất nuôi tôm càng xanh toàn đực luân canh và xen canh trong ruộng lúa. Ban điều hành dự án đã hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, con giống, thuốc nuôi trồng thủy sản theo hợp đồng. Đồng thời, nông dân cũng thực hiện khá tốt các yêu cầu của các nhà khoa học, cùng với kinh nghiện tích lũy trong sản xuất. Từ đó, đã đem lại hiệu quả khá so với yêu cầu mục tiêu của dự án. Kết quả đánh giá kỹ thuật cho thấy: Dự án “ Xây dựng mô hình cộng đồng nuôi tôm càng xanh toàn đực luân canh và xen canh trong ruộng lúa” rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Hồng Dân. Qua đó, đã đem lại về lợi nhuận tôm và lúa bình quân ở 43 hộ thì lợi nhuận thu về cho nông dân sau khi đã trừ chi phí trong sản xuất, đạt trên 20 triệu đồng/ha/vụ có nhiều hộ đạt từ 30 – 35 triệu đồng/ha/vụ. Đồng thời, thông qua dự án này còn đem lại lợi ích quan trọng lâu dài là: Nâng cao nhận thức cho nông dân về chuyển đổi mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và từng bước nhân rộng mô hình “Sản xuất ích lúa – lợi tôm”, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho nông dân. Hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng thủy sản và xây dựng các mô hình sản xuất lúa Một bụi đỏ thơm cơm, an toản - thủy sản sạch ở vùng chuyển đổi của huyện Hồng Dân trong thời gian tới
Ông Nguyễn Trung Hiếu – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho biết:sự hiện diện của con tôm càng xanh ở đồng đất hồng dân cũng đã khoảng 10 năm nay, nhưng càng xanh toàn dực thì mới khoảng 3 năm thôi. Thời gian tới tiếp tục đưa các Dự án mới với những loại cây con giống phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao; trong đó, con tôm càng gắn với chuyển giao khoa học – kỹ thuật sản xuất, để nông dân ứng dụng đem lại những mô hình sản xuất bền vững gắn với thực hiện chuỗi liên kết giá trị hàng hóa cho nông dân. Qua đó, sẽ thật sự góp phần nâng cao thu nhập, đưa lợi nhuận trong sản xuất của nông dân cao hơn hiện nay, để chất lượng cuộc sống sẽ thật sự có nhiều khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề số 02 của BCH Đảng bộ huyện Hồng Dân ( khóa XII) về tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững giai đoạn 2016 – 2020; huyện sẽ tăng cường quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng và tuyên truyền nhân rộng các mô hình kinh tế đang có hiệu quả kinh tế cho nông dân; trong đó, mô hình tôm Càng xanh kết hợp với tôm sú, cá trong ruộng lúa và tôm Càng xanh xen canh với tôm sú, cua, cá trong ao đất ở vùng chuyển đổi nói chung và tiểu vùng có độ mặn thấp nói riêng, đang được khuyến khích, nhân rộng./.
Tùng Lâm