
Vườn rau nhà chị Thị Lệ Thủy
Trước kia, huyện Hồng Dân chỉ là một địa phương chuyên canh cây lúa, cuộc sống bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất 1 hoặc 2 vụ lúa/năm. Từ khi chia tách huyện vào năm 2000, thì huyện đã quan tâm đầu tư đúng mức trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất, xây dựng lộ giao thông nông thôn ấp liền ấp và phân vùng mặn ngọt rõ rệt, người dân nơi đây có điều kiện hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, có khá nhiều mô hình sản xuất phát triển hiệu quả mang lại thu nhập khá cho nông dân. Thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 02 của BCH Đảng bộ huyện (khóa XII) Về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững giai đoạn 2016 – 2020; trong năm qua và những tháng đầu năm 2018, Hội Nông dân huyện đã tích cực hỗ trợ các hội viên nông dân trong việc phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là hội viên nông dân là người dân tộc Khmer, nhiều hộ đã từng bước có cuộc sống khá lên, thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn kết hợp với các ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trong sản xuất và hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi từ nguồn “Quỹ hỗ trợ nông dân” để hỗ trợ tiền mua cây, con giống, máy móc, phương tiện sản xuất, nguyên vật liệu, tập huấn hướng dân khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Đồng chí Trần Minh Lý - Phó chủ tịch Hội Nông Dân huyện Hồng Dân cho biết Đầu năm 2018, Hội Nông dân đã triển khai nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với quan điểm là làm thế nào để hỗ trợ kịp thời cho những hội viên nông dân thật sự thiếu vốn sản xuất nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và tăng cường công tác hướng dẫn mô hình, kiểm tra giám sát để bà con sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được việc làm ổn định và nâng cao thu nhập. Đến thời điểm này, có 4 dự án Quỹ hỗ trợ nông dân được triển khai, hỗ trợ cho hàng trăm hộ bà con nông dân, trong đó có nhiều hộ là người Khmer. Từ việc sử dụng tốt nguồn vốn, đã tạo điều kiện cho bà con có thu nhập khá hơn, cuộc sống gia đình nhiều khởi sắc, không ít hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những ngày tháng bảy này, chúng tôi đến thăm gia đình chị Thị Lệ Thủy ở ấp Đầu Sấu Tây, xã Lộc Ninh; nhà chị trước kia gặp không ít khó khăn, từ khi được Hội Nông dân huyện hỗ trợ cho vay vốn 2 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, vợ chồng chị Thủy đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng các loại rau màu, từ năm 2010 đến nay, năm nào cũng cho lợi nhuận khá, có tiền đủ trang trải cuộc sống hàng ngày cho gia đình. Chị Thủy đã chọn các loại rau màu như: Đậu đũa, đậu bắp, xà lách, cải xanh v.v... Mô hình này, chị Thủy đã thực hiện quanh năm, mang lại hiệu quả thiết thực, nên cuộc sống gia đình chị ngày càng khấm khá hơn. Đây là mô hình sản xuất mang tính bền vững, vốn đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với những hộ nghèo chí thú làm ăn. Bởi mô hình cần phải bỏ nhiều công chăm sóc, áp dụng đúng kỹ thuật, cần cù siêng năng mới đạt hiệu quả cao. Gia đình chị Thị Lệ Thủy là một trong những gia đình dân tộc Khmer đã cố gắng vượt qua khó khăn trong sản xuất, đem lại sự ấm no và hạnh phúc. Với hơn 2 công đất trồng màu, mỗi năm gia đình chị Thủy có tổng thu nhập hơn 40 triệu đồng, ổn định cuộc sống.
Còn đối với gia đình anh Danh Rết ở ấp Phú Tân, xã Ninh Quới, trước đây cũng gặp nhiều khó khăn, vì khi 2 vợ chồng ra ở riêng chỉ được cha mẹ cho vài công đất để mưu sinh. Ban đầu vợ chồng anh phải mướn đất thêm để trồng lúa mới đủ trang trải cuộc sống. Thấy gia đình anh Rết siêng năng, các cấp Hội Nông dân đã tạo điều kiện cho gia đình anh được vay vốn ưu đãi ban đầu 2 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện để đầu tư vào sản xuất. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho anh và các hội viên nông dân tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa, trồng màu.v.v... Vì thế, gia đình anh Rết trồng lúa năm não cũng trúng mùa, dành dụm được số tiền mua thêm đất sản xuất, có tiền xây dựng nhà ở khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng vào năm 2007. Hơn nữa, anh còn chăn nuôi gà vịt để tăng thêm thu nhập. Với 20 công đất trồng lúa và kết hợp chăn nuôi gà vịt, tính bình quân mỗi năm gia đình anh Rết có tổng thu nhập hơn 60 triệu đồng, có điều kiện nuôi con ăn học đàng hoàng.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết chuyên 02 của BCH Đảng bộ huyện (khóa XII) Về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững giai đoạn 2016 – 2020; trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Hồng dân sẽ phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách - Xã hội …triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi đến với hội viên nông dân, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh. Tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện để hỗ trợ cho nông dân về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, xây dựng nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như: lúa – cá – màu; tôm - lúa, tôm sú – tôm càng xanh xen canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, trồng màu trên bờ vuông tôm… tăng cường phát động sâu rộng phong trào “ Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; xây dựng tốt hơn các mô hình trình diễn, Tổ Hợp tác và Hợp tác xã gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, để tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích.
Có thể nói, việc phát triển nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả và phong trào tương trợ, giúp đỡ hội viên trong sản xuất của Hội Nông dân huyện Hồng Dân trong thời gian qua đã mang nhiều ý nghĩa thiết thực, không chỉ tạo điều kiện cho bà con có điều kiện đầu tư vào sản xuất một cách có hiệu quả, giúp hội viên nông dân có hướng đi đúng, cách làm hay và mô hình mới và tạo điều kiện cho lao động ở nông thôn có công ăn việc làm ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống. /.
Tùng Lâm