Huyện Hồng Dân là một trong những đơn vị có khá đông đồng bào dân tộc Khmer so với các huyện thị xã, thành phố trong tỉnh, (chiếm gần 14% dân số của huyện). Mặc dù còn không ít khó khăn, song từ nhiều năm qua, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các đoàn thể của huyện đã có nhiều cố gắng giúp đồng bào Khmer vươn lên xóa đói, giảm nghèo và chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến nay diện mạo của những vùng quê có đồng bào Khmer sinh sống đã và đang trên đà khởi sắc.

Đường về các phum sóc ở Hồng Dân . Ảnh: Thái Hiệp
Huyện Hồng Dân hiện có hơn 3.500 hộ là người khơmer, với hơn 14.000 nhân khẩu, chiếm gần 14% dân số toàn huyện. Những năm qua, ngoài chính sách của Ðảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền trong huyện luôn quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con được cải thiện, phát triển rõ rệt so với 10 năm trước.
Ðến xã Lộc Ninh, một xã tiếp giáp với trung tâm huyện Hồng Dân, cũng là xã có khá đông đồng bào Khmer của huyện, chúng tôi ghi nhận cuộc sống của bà con nơi đây đã và đang "thay da đổi thịt" từng ngày. Qua tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo xã chúng tôi được biết, kết thúc năm 2018 xã tỷ lệ hộ nghèo của giảm còn gần 4%. Ðạt được kết quả đáng mừng nêu trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của quần chúng nhân dân và những hộ nghèo ở xã. Điển hình là ấp Đầu Sấu Đông là ấp có đông đồng bào Khmer nhất của xã. Ấp có diện tích tự nhiên là 452 ha, trong đó diện tích canh tác là 356 ha. Đời sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Ấp hiện có 388 hộ, với 1.659 khẩu, trong đó người dân tộc Khơmer chiếm 80%. Ấp Đầu Sấu Đông có diện tích tự nhiên là 452 ha, trong đó diện tích canh tác là 356 ha. Đời sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Ấp hiện có 388 hộ, với 1.659 khẩu, trong đó người dân tộc Khơmer chiếm 80%. Tính đến thời điểm đầu năm 2018 này số hộ nghèo của ấp còn 80 hộ, chiếm hơn 20% so với tổng số hộ của ấp. Anh Danh Thuộc, Bí thư Chi bộ ấp cho biết: “Trong năm 2018 vừa qua ấp được giao chỉ tiêu thoát 57 hộ nghèo, nhờ sự quan tâm sâu sắc của các ngành các cấp và ý thức tự lực vươn len của bà con, nên đến cuối năm 2018 toàn ấp có 46 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của ấp hiện còn gần 4%.”
Năm 2019 này xã Lộc Ninh được huyện Hồng Dân Bạc Liêu đã chọn là đơn vị để thực hiện "Năm Dân vận khéo" kết hợp với hành quân dã ngoại huấn luyện làm công tác vận động quần chúng. Đây là điều kiện để xã phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần xây dựng nông thôn mới đạt 19/19 tiêu chí theo kế hoạch đề ra. Ðồng thời, cũng là cơ hội để xã thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo trong năm 2019 và phấn đấu đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,90% theo chỉ tiêu huyện giao. Qua đó góp phần không ngừng nâng cao mức sống của người dân của xã, trong đó có đồng bào Khmer.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh huyện cho biết, đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng hàng chục mô hình sản xuất có hiệu quả làm điểm nhân rộng nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp cho nông dân nghèo, nhất là đồng bào Khmer. Ðiển hình như mô hình sản xuất lúa theo hướng liên kết cánh đồng lúa lớn; nuôi tôm quảng canh, tôm –cua-cá, trồng rau theo hướng an toàn sinh học, mô hình tôm - lúa; mô hình nuôi tôm càng xanh xen tôm sú theo hướng GAP; mô hình trồng nấm rơm, … Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình Khmer có nguồn thu nhập ổn định, tăng thu nhập, đời sống người dân từng bước được nâng lên rõ rệt.
Ðến nay, gần 95% số hộ đồng bào Khmer trong huyện được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước sạch. Hiện nay đường ôtô đã đến trung tâm các xã, thi trấn. Qua đó góp phần phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa được thuận tiện. Ðời sống đồng bào Khmer không ngừng nâng lên, văn hóa truyền thống được giữ gìn bên cạnh việc xây dựng đời sống văn hóa mới. Nhiều con em đồng bào Khmer được hỗ trợ về học tập đã trở thành những cán bộ có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của tỉnh trên mọi lĩnh vực.
Có thể khẳng định, do thực hiện tốt các chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhất là sự nỗ lực cao của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, sự hỗ trợ của tỉnh, của trung ương, nên nhiều hộ đồng bào Khmer ở Hồng Dân đã cố gắng vươn lên thoát nghèo, bước đầu khá giả. Không ít hộ Khmer đã chủ động xin trả lại chế độ trợ cấp hộ nghèo cho địa phương. Ðó thật sự là những tấm gương rất đáng trân trọng, biểu dương và nhân rộng./.
Lâm Thái Hiệp