null
Tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Thứ ba, 23/11/2021, 11:03
Màu chữ
Cỡ chữ
Tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân
Các cấp ủy Đảng cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước, lấy lại lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
Ngay từ thế kỷ XV, bằng vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại.
Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng xác định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng Cộng sản muốn lãnh đạo cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; cách mạng muốn thắng lợi phải được đông đảo Nhân dân ủng hộ.
Trên nền tảng lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Bác Hồ đã chọn lọc tinh hoa văn hóa chính trị của nhân loại về vị trí của nhân dân trong tiến trình phát triển. Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân; không có sức mạnh nào vô địch như sức mạnh đoàn kết của Nhân dân. Quá trình lãnh đạo dựng Ðảng, dựng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn cách mạng thành công thì Ðảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức vận động Nhân dân tham gia và lãnh đạo Nhân dân thực hiện những nguyện vọng, lợi ích thiết thực cho Nhân dân. Nước phải lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân.
72 năm trước, ngày 15-10-1949, khi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận, nêu lên nhiệm vụ cực kỳ trọng yếu của cả hệ thống chính trị là công tác dân vận và chỉ rõ, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều do dân vận khéo mà có. Cũng từ đây, ngày 15-10 trở thành ngày truyền thống của công tác dân vận, của mối quan hệ Ðảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị với nhân dân. Truyền thống quý báu này là kết tinh những giá trị của mối quan hệ Ðảng - Dân, được xây đắp suốt quá trình Ðảng lãnh đạo toàn dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và đi lên xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nhất là từ khi Ðảng ta trở thành đảng cầm quyền sau Cách mạng Tháng 8-1945.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của Nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân. Chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng không đông, Đảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta, muốn làm công tác dân vận khéo thì phải thật sự yêu dân, kính dân, thương dân và hiểu dân, phải biết vận động nhân dân làm tốt những việc có lợi cho cách mạng, cho đất nước, để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân. Bác Hồ cho rằng, Ðảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị thấm nhuần lý tưởng chính trị vì dân thì làm công tác dân vận mới thật sự có hiệu quả. Trước hết là chăm lo vun đắp đạo đức của người cán bộ, đảng viên rèn luyện suốt đời phấn đấu vì lợi ích của dân, của nước, vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của dân. Muốn vậy thì Ðảng phải có đường lối cách mạng đúng, các chính sách và cách thức lãnh đạo các tầng lớp xã hội trong Nhân dân phù hợp, đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, được lòng dân, đi vào lòng dân, cùng sướng khổ với dân mới khơi dậy và phát huy tính tích cực, sáng tạo của mỗi con người để họ có thể đóng góp nhiều nhất sức người, sức của thực hiện đường lối, chính sách của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách tự nguyện, có hiệu quả to lớn.
Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của Nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của Nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng chăm lo đời sống Nhân dân, luôn coi việc bảo đảm và cải thiện đời sống Nhân dân là trách nhiệm to lớn thường xuyên. Tuy vậy, có những chính sách, những việc làm còn chưa thật đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; có những địa phương, cơ sở chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp thật tích cực để phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Trong khi ở nhiều nơi, đời sống Nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay sở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của Nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất.
Nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của Nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục. Bởi vậy, cần có biện pháp cụ thể và tích cực bảo đảm đời sống Nhân dân, trước hết là bảo đảm việc làm, chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khỏe, việc học hành,...của Nhân dân; thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội, lối sống có văn hóa, bảo đảm an ninh xã hội, an sinh xã hội, an toàn xã hội. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta.
Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng với việc phát huy nghị lực sáng tạo của Nhân dân. Tuy nhiên, ở không ít nơi, cấp ủy Đảng chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của Nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Một số đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng.
Bởi vậy, các cấp ủy Đảng, các cơ quan Nhà nước cần động viên, tổ chức Nhân dân tham gia rộng rãi và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội; xóa bỏ nhận thức sai lầm cho rằng công tác vận động quần chúng chỉ là biện pháp tổ chức, động viên Nhân dân thực hiện chính sách của Đảng. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát" phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng.
Các cấp ủy Đảng, các cơ quan chính quyền cần có biện pháp tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân viên nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với Nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe Nhân dân; có chương trình, kế hoạch tiếp dân, giải quyết tốt các đơn, thư khiếu tố, các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân; xử lý nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng.
Bên cạnh đó, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, đạo đức có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Một số cán bộ thiếu gương mẫu trước quần chúng; vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên, khiến cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình và lo ngại về sự xói mòn bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Đảng.
Các cấp ủy Đảng cần phải làm tốt việc giáo dục, nâng cao phẩm chất cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, coi đây là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước, lấy lại lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân.