null Vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP tại các hợp tác xã nông nghiệp ở bạc liêu

Phong trào nông dân
Thứ hai, 22/06/2020, 14:02
Màu chữ Cỡ chữ
Vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP tại các hợp tác xã nông nghiệp ở bạc liêu

Tỉnh Bạc Liêu vừa xây dựng và triển khai Ðề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (One Commune One Product) tại bảy huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh xác định đây là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện việc phát triển, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có từ 20 đến 34 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng ba sao trở lên, có từ năm đến 10 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng cấp quốc gia.

 

 

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Thái Hiệp.

 

Thật vậy, đề án OCOP được áp dụng trên 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Đối tượng là các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ các địa phương, đặc biệt là sản phẩm vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Chủ thể thực hiện Đề án là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, trong đó chú trọng các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dựa trên đề xuất của người dân, Nhà nước hỗ trợ một một phần kinh phí và chỉ đạo, định hướng lồng ghép các nguồn lực sẵn có từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia như: xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…. các đề án, dự án khoa học các đề tài nghiên cứu có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình OCOP của tỉnh Bạc Liêu. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến và bảo quản đã được giám định kỹ lưỡng, mà phải làm thế nào tạo ra được ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong hành vi của mỗi người dân. Ngoài ra nó còn thể hiện ở nghệ thuật bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện sử dụng, bảo quản nhất cho người tiêu dùng.

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, đặt biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ có ứng dụng cao trong sản xuất và đời sống của nhân dân. Nó đã thúc đẩy nền nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của các địa phương phát triển nhanh về chất và bền vững về lượng, tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Cho nên, không những các Doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hàng hóa mà các Hợp tác xã Nông nghiệp trong tỉnh Bạc Liêu cũng đã tham gia vào ứng dụng khoa học công nghệ một cách tích cực và bước đầu mang lại hiệu quả rất đáng khích lệ. Hiện nay trong toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 70 hợp tác xã Nông nghiệp, đăng ký hoạt động về lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, liên kết bao tiêu sản xuất và chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất hàng hóa. Mặt dù các Hợp tác xã này khi đi vào hoạt động cũng còn gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết đều rất tâm huyết để vươn lên trong môi trường kinh tế tập thể hiện nay. Mỗi hợp tác xã đã chọn cho mình mục tiêu riêng, phương án hoạt động riêng và phát triển cho mình những sản phẩm đặc trưng nhất của địa phương. Cụ thể năm 2019 ở huyện Hồng Dân có 4 Hợp tác xã đã tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ kết quả của các đề tài, dự án cấp cơ sở. Trong đó, Hợp tác xã Thủy sản Thống Nhất 2 (ấp Thống nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) hoàn thành dự án ứng dụng quy trình chế biến mắm cá Trắm cỏ từ Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ chuyển giao. Hợp tác xã Thống Nhất 2 đã đăng ký chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho Mắm cá Trắm cỏ Hồng Dân và đã được Cục Sở hửu trí tuệ- Bộ Khoa học Công nghệ cấp chứng nhận năm 2016. Kết quả là sau khi ứng dụng thành công quy trình này, sản phẩm Mắm cá Trắm cỏ Hồng Dân được thị trường tiêu dùng ưa chuộng rất cao, chất lượng thơm ngon, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả khác biệt ở đây được thể hiện như là cá Trắm cỏ là một loài thủy sản có tập tính sống phù hợp với vùng đất phèn mặn, được nuôi trong vuông tôm một cách quảng canh, sau 4 tháng nuôi trọng lượng trung bình 1 con/kg, sau đó thu hoạch và sơ chế để làm mắm. Từ một loại cá có giá trị thấp nhưng nhờ vào ứng dụng quy trình công nghệ chế biến mắm này, cá Trắm cỏ trở nên có giá trị cao, thịt mắm thơm ngon và phù hợp với khẩu vị miền Nam bộ, trở thành đặc sản của một huyện nông thôn như Hồng Dân hiện nay. Do đó sản phẩm này đã được thị trấn Ngan Dừa chọn đăng ký cho sản phẩm OCOP với tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn 2020-2030. Để đạt tiêu chuẩn từ ba sao trở lên, HTX Thủy sản Thống Nhất 2 rất chú trọng về mẫu mã sản phẩm để tạo ra điểm nhấn cho thương hiệu này, HTX luôn áp dụng triệt để quy trình chế biến mắm cá Trắm cỏ của Trường Đại Học Cần Thơ chuyển giao. Đồng thời HTX Thống Nhất 2 còn xây dựng vùng nguyên liệu cá Trắm cỏ tươi ổn hằng năm hơn 200 tấn cá thịt tươi để đủ lượng cá mắm cung cấp cho thị trường.

Với lĩnh vực riêng của mình và dựa trên đặc tính sản phẩm vùng miền (khu vực địa lý) Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng đã tham gia nghiên cứu dự án phục tráng giống và nhân giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân. Kết quả nghiên cứu đã tạo ra sản phẩm lúa giống đạt năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh và ổn định độ thuần. Từ đó làm cho chất lượng hạt gạo Một bụi đỏ Hồng Dân mềm cơm hơn, thơm ngon hơn trước khi phục tráng và đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường. Là một sản phẩm có tính đặc thù riêng, lúa Một bụi đỏ Hồng Dân được trồng trên đất nuôi tôm, cho nên hạt gạo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không có hàm lượng nitat và một số kim loại nặng khác. Lúa một bụi đỏ Hồng Dân sau khi được thu hoạch, HTX Quyết Thắng liên kết với nhà máy Vĩnh Lộc (tập đoàn Lộc Trời) để sáy, chế biến gạo và đóng bao. Với công nghệ chế biến gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ nhà máy Vĩnh Lộc cho nên sản phẩm gạo Một bụi đỏ Hồng Dân càng được nâng lên về giá trị. Với lợi thế là địa phương có diện tích sản xuất lúa Một bụi đỏ Hồng Dân khá lớn với hơn 6.000 ha/năm và Gạo một bụi đỏ Hồng Dân là sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý quốc gia năm 2008, cho nên HTX nông nghiệp Quyết Thắng (huyện Hồng Dân) quyết tâm đẩy mạnh kinh doanh mặt hàng gạo Một bụi đỏ Hồng Dân ngày một vươn xa hơn. Đầu năm 2020, HTX nông nghiệp Quyết Thắng đã xúc tiến thương mại cho gạo Một bụi đỏ Hồng Dân tại các thị trường tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh…thông qua kênh phân phối là các cửa hàng, đại lý tại các tỉnh, thành này. Xét thấy đây là sản phẩm xuất phát từ dân gian, mang đậm nét địa phương cho nên rất phù hợp để xã Lộc Ninh đăng ký sản phẩm gạo Một bụi đỏ Hồng Dân làm sản phẩm OCOP với tỉnh trong giai đoạn 2020-2030. Để chất lượng sản phẩm này đạt yêu cầu, HTX nông nghiệp Quyết Thắng rất chú trọng đến công tác áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất lúa lương thực Một bụi đỏ Hồng Dân như quy trình VietGAP và tiến tới sản xuất gạo hữu cơ. Nếu giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân không thường xuyên phục tráng sẽ dẫn đến lẫn tạp do hiện tượng thoái hóa giống gây ra. Cho nên hằng năm HTX Quyết Thắng luôn có kế hoạch tham gia nghiên cứu khoa học để phục tráng giống lúa này theo đúng quy trình của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định, quản lý chất lượng trong sản xuất, chế biến và đóng bao. Thông qua đó giúp ổn định lâu dài cho chất lượng gạo Một bụi đỏ Hồng Dân thơm, ngon và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, HTX còn quan tâm cải tiến mẫu mã, bao bì theo nhu cầu thị trường với nhiều chủng loại từ 3-10 kg/túi và chất liệu túi đựng phù hợp với yêu cầu của người dùng và không gây ô nhiễm môi trường.

 Nhìn chung, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm gọi tắt là “OCOP” thực chất là giải pháp phát triển kinh tế không những từ các sản phẩm nông nghiệp, mà còn từ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, các truyền thống văn hóa, danh thắng của các địa phương. Đối với tỉnh Bạc Liêu, đây cũng là những sản phẩm có tiềm năng lợi thế rất lớn nhưng chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Đó là những sản phẩm từ làng nghề đan đát lụt bình, sản phẩm đan đát từ tre, trúc của làng Ninh Thạnh Lợi, nghề truyền thống lò rèn, làng dệt chiếu, làng bánh tráng Ngan Dừa…Những sản phẩm này cũng cần phải ứng dụng nhiều hơn nữa từ khoa học công nghệ để sản phẩm tạo ra ngày càng chất lượng cao hơn, đạt tiêu chuẩn cho OCOP được tốt hơn. Nhưng trước mắt cần chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm nông nghiệp cho giai đoạn từ 2020-2025, còn các sản phẩm phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương còn lại rất cần nhiều hơn nữa các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể từng bước đưa khoa học công nghệ vào để ứng dụng thực hiện. Với vai trò to lớn từ khoa học công nghệ ngày nay, tin rằng các Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Bạc Liêu sẽ ứng dụng kịp thời và hiệu quả để phát triển mạnh các sản phẩm OCOP của mình lên tầm xa hơn, cao hơn như đã đăng ký.

Thái Hiệp-Đăng Ký (Đài TT Hồng Dân)

 

 

Số lượt xem: 875

  • Đại hội Hội Nông dân huyện Đông hải nhiệm kỳ 2023 - 2028
  • Phối hợp trao cầu giao thông nông thôn Phước Long
Bạc Liêu
Thứ 5   30-7-2020 14:11
31.4°
moderate rain

Feels like: 32.86°
Temp range: 31.4° - 31.4°

 

Thống kê truy cập
HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẠC LIÊU
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291. 3823.880   -   Fax: 0291.3823.880   -   Email: hndtbl@gmail.com
ipv6 ready